TTCK: Điềm tĩnh tìm cơ hội đầu tư

(ĐTTCO)-Chỉ trong 3 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã mất gần 70 điểm (gần 7%), vốn hóa thị trường bị thổi bay gần 300.000 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD) do nhà đầu tư bán tháo vì sợ rủi ro từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra.
Nhà đầu tư tại công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà đầu tư tại công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các thị trường toàn cầu sẽ bật tăng, bù đắp những mất mát trước đây.

Thị trường phản ứng thái quá

Trong tuần giao dịch đầu tiên của Xuân Canh Tý, VN-Index có thời điểm đã về sát 890 điểm - mức thấp nhất sau một năm, do dịch nCoV đã tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư, khiến tình trạng bán tháo xảy ra.

Trước diễn biến này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định: TTCK luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam trong những ngày đầu năm giảm mạnh do nhà đầu tư phản ứng thái quá sau khi thị trường Trung Quốc giảm sâu. Lịch sử trên thế giới đã chứng minh, các TTCK chỉ biến động tức thì, mang tính ngắn hạn khi xảy ra biến cố về dịch bệnh hay thiên tai. Trước đây, TTCK cũng lập tức biến động khi xuất hiện dịch SARS, H5N1, song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chúng ta có quyền hy vọng thị trường lần này sẽ diễn biến tương tự. Do đó, nhà đầu tư cần nhìn đa chiều, điềm tĩnh hơn với diễn biến thị trường.

Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, dịch nCoV chỉ là một sự kiện “thiên nga đen” đối với TTCK thay vì là yếu tố kích hoạt một đợt suy thoái toàn cầu. Nhìn lại trong quá khứ, nền kinh tế và TTCK chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn từ các đại dịch toàn cầu, tuy nhiên cả thị trường và đa số các ngành không chịu ảnh hưởng đều sớm hồi phục. Việc này chỉ gây tác động mạnh trong ngắn hạn chứ khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều khó khăn khi đang ở cuối của một chu kỳ tăng trưởng, cộng thêm tác động của thương chiến Mỹ - Trung thì một dịch bệnh quy mô toàn cầu dễ làm tâm lý thị trường bị tổn thương hơn.

Chuỗi giá trị sản xuất hay tổng cầu trên thế giới khó có thể đảo chiều và sản xuất, tiêu dùng toàn cầu sẽ hồi phục khi dịch bệnh này được kiểm soát. TTCK có thể sẽ duy trì tâm lý e ngại cho đến khi có những bước tiến rõ ràng trong quá trình phòng - chống - kiểm soát dịch bệnh. Đánh giá tác động của dịch nCoV với nền kinh tế cũng như TTCK, Công ty Chứng khoán MBS nhận định, các thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tương đối mạnh với sự bùng nổ của dịch nCoV nhưng những diễn biến này chưa thực sự đến mức hoảng loạn. TTCK thế giới đều hồi phục tốt sau mỗi lần diễn ra đại dịch. 

Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

Sự sụt giảm mạnh của TTCK Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán còn là sự giảm bù cho những phiên đóng cửa nghỉ lễ dài hạn để bắt kịp với những diễn biến của thị trường thế giới. Mặc dù đà giảm trên TTCK thế giới đã giảm tốc, nhưng rủi ro trong ngắn hạn vẫn đang ở mức cao, do đó, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu để bảo toàn vốn, đặc biệt là cổ phiếu trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh như du lịch, hàng không… Tuy nhiên, ở góc độ khác, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, những nhịp giảm của thị trường có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn đối với các cổ phiếu đã giảm sâu.

VN-Index phục hồi gần 13 điểm trong ngày 6-2

Cùng với xu hướng phục hồi của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 6-2 diễn ra khá tích cực, kéo VN-Index phục hồi gần 13 điểm, trong đó, có sự bứt phá từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí như: PVD và STB đều tăng trần; VPB tăng 5,6%; ACB tăng 4,3%; CTG tăng 4,5%; GAS tăng 5,3%... Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,63 điểm (1,36%) lên 938,54 điểm với 264 mã tăng, 83 mã giảm và 52 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 2,65 điểm (2,57%) lên 105,84 điểm với 77 mã tăng, 45 mã giảm và 60 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt 258,5 triệu cổ phiếu, trị giá 4.600 tỷ đồng.

Trong khi thị trường bao trùm tâm lý lo ngại, nhóm cổ phiếu ngành dược đã trở thành điểm sáng khi đồng loạt tăng giá ở 3 phiên TTCK nằm trong tâm bão dịch nCoV; một số cổ phiếu tăng từ 16% đến hơn 42% như DHG tăng 16,6%, DVN tăng 41,2%, AMV tăng 17%, DHT tăng 22,5%... Theo phân tích của nhiều chuyên gia chứng khoán, không phải DN dược nào cũng có kết quả kinh doanh tốt.

Báo cáo từ các công ty chứng khoán cho thấy, không ít các DN ngành dược có lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm nhưng giá cổ phiếu vẫn bứt phá. Điều này cho thấy, tình trạng đồng thuận tăng của cổ phiếu dược chủ yếu đến từ tâm lý kỳ vọng đây sẽ là nhóm ngành hưởng lợi từ sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù vậy, không phải DN dược nào cũng có thể hưởng lợi, vì chủng loại sản phẩm kinh doanh, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận, chất lượng tiêu chuẩn nhà máy, kênh phân phối… của mỗi DN có sự khác biệt đáng kể. 

Bên cạnh ngành dược, trong 2 phiên giao dịch gần nhất (ngày 5 và 6-2), nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng bứt phá, dẫn dắt thị trường tăng điểm trở lại sau 3 phiên lao dốc trước đó. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là do đã giảm sâu trong vài phiên trước đó và theo nhiều báo cáo của công ty chứng khoán, ngành ngân hàng ít ảnh hưởng từ dịch bệnh lần này.

Trong năm 2020, các dự báo cho thấy nhóm này vẫn có nhiều yếu tố tích cực nhờ những thay đổi nội tại bên trong các ngân hàng, cũng như vị thế hiếm có của nhóm này trong nền kinh tế. Mặc dù vậy, những ảnh hưởng của dịch bệnh tới các doanh nghiệp trong nền kinh tế là rất lớn và nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng. Do vậy, trong giai đoạn nhạy cảm này, nhà đầu tư cần tiếp tục thận trọng quan sát, giảm bớt tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu và hạn chế giải ngân để tránh rủi ro trong lúc chờ thị trường có những tín hiệu mới.

Ông TRẦN VĂN DŨNG - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống bất thường

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang nắm bắt sát sao tình hình dịch nCoV theo thông tin chính thức từ cơ quan có thẩm quyền; phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những yếu tố tác động và chủ động xây dựng kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường trên TTCK. Bên cạnh các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch năm, trong ngắn hạn, chúng tôi chủ động theo dõi diễn biến tình hình kinh tế, chứng khoán quốc tế và trong nước, nhằm xây dựng và đề xuất đưa ra các giải pháp kịp thời, giúp TTCK phát triển ổn định.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu 2 Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn. Mặt khác, yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, đặc biệt về tình hình giao dịch ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. Với quyết tâm rất cao của cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam, hy vọng dịch nCoV sẽ sớm được khống chế. TTCK nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm cơ hội trong rủi ro.

Ông PHAN DŨNG KHÁNH -Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng:

Dòng tiền sẽ đổ vào các “vịnh tránh bão”

Nhiều dự báo cho rằng dịch nCoV chưa tới đỉnh điểm nên trong tương lai gần, thị trường tài chính bao trùm xu hướng tiêu cực nhiều hơn. Dòng tiền sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn, các kênh đầu tư được xem là “vịnh tránh bão” sẽ hút được dòng tiền. Ngay cả các kênh đầu tư mạo hiểm, vốn được xem là rủi ro như TTCK thì nhóm cổ phiếu ngành y tế vẫn được lợi. Thực tế cho thấy, cổ phiếu nhóm y tế, dược phẩm ở TTCK các nước đều tăng và trong nước cũng không phải ngoại lệ, khi các ngành khác đều giảm điểm trong phiên giao dịch đầu xuân thì nhóm này vẫn tăng.

Các tin khác