TTCK: Điều chỉnh khi tăng nóng là bình thường

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh hiện nay, do các kênh đầu tư thụ động đều không hấp dẫn, thị trường chứng khoán (TTCK) trở thành kênh đầu tư sôi động nhất. Tuy nhiên, việc thị trường tăng quá nóng khiến nhà đầu tư (NĐT) dễ sốc khi thị trường điều chỉnh mạnh như phiên giao dịch ngày 19-1 vừa qua là điều sẽ phải xảy ra.
Vàng đã tăng mạnh trong năm 2020, tỷ giá USD vẫn đứng trong năm 2020, lãi suất tiền gửi có xu thế giảm khiến các NĐT quan tâm tới kênh đầu tư CK nhiều hơn.
Vàng đã tăng mạnh trong năm 2020, tỷ giá USD vẫn đứng trong năm 2020, lãi suất tiền gửi có xu thế giảm khiến các NĐT quan tâm tới kênh đầu tư CK nhiều hơn.
Năm 2020, VN Index tăng 14,86%, là mức tăng tốt nhất trong 3 năm 2018-2020, giúp nhiều NĐT có lãi cao trong giai đoạn quý IV-2020 với mức 20-100% trong vòng 2 tháng qua. Điều này càng thu hút các NĐT mới mở tài khoản và chuyển tiền vào kênh này.
Trong năm 2020 giá trị giao dịch bình quân phiên trên 7.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm 2019). Những phiên giao dịch đầu năm 2021, giá trị giao dịch tiếp tục tăng mạnh với những phiên từ 15.000 tỷ đồng, thậm chí đạt hơn 20.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 19-1.
Việc nguồn tiền lớn đổ vào thị trường, cả trong những thời điểm thị trường lao dốc, là cơ sở để giới phân tích đưa ra dự báo VN Index sẽ dễ dàng chinh phục mốc 1.300 điểm ngay trong quý I này.
Thực tế, chuỗi tăng kéo dài của VN Index khiến giới đầu tư e ngại TTCK hình thành bong bóng như năm 2007 và sẽ giảm sâu. Nhận định này phần nào có lý do sau phiên giảm điểm kinh hoàng ngày 19-1.
Trong phiên điều chỉnh này, tất cả mã cổ phiếu (CP) dù tốt hay xấu đều rơi vào trạng thái bán tháo, khi nhiều NĐT lo ngại thị trường bước vào giao đoạn lao dốc sau khi đạt đỉnh như đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, phiên giao dịch 19-1 chưa cho thấy các dấu hiệu thị trường rơi vào trạng thái của năm 2007. Thứ nhất, VN Index tăng mạnh nhưng chưa vượt qua đỉnh 1.200 điểm. Thứ hai, P/E thị trường hiện nay vào khoảng 18,5-19x là khá cao so với đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn mức 22x thời điểm năm 2018. 
TTCK: Điều chỉnh khi tăng nóng là bình thường ảnh 1
TTCK: Điều chỉnh khi tăng nóng là bình thường ảnh 2 P/E của TTCK Việt Nam tăng nhanh vào cuối năm 2020 và đang ở mức cao so với các nước trong khu vực khiến thị trường kém hấp dẫn với NĐTNN.
Có thể dễ dàng nhận thấy, với mức tăng trưởng nóng của thị trường trong thời gian ngắn, đã đẩy mức giá của gần như toàn bộ CP đang niêm yết tăng mạnh so với mức giá thời điểm đầu năm 2020. Trong đó có nhiều CP tăng 300-500%. Mức tăng này được cho vượt qua giá trị hợp lý của doanh nghiệp.
Điều này cũng khiến P/E thị trường từ mức thấp 11x vào tháng 4-2020 tăng lên mức 20x vào đầu năm 2021. Mức P/E này đã cao hơn năm 2019 của thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực. Nên nhớ 2019 là năm kinh tế đang khởi sắc, không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Bên cạnh mức tăng giá quá nóng, thị trường đang tồn tại một thực trạng đáng báo động khi nhiều NĐT đang tham gia đầu tư với phương thức “lướt sóng”. Nguy hiểm ở chỗ, nhiều NĐT chấp nhận mua cao để bán giá cao hơn, không phân tích theo đầu tư giá trị trung hạn. Đây chính là nguyên nhân khiến giá CP bị đẩy lên chóng mặt. Hệ quả, giá CP sẽ khó tăng tiếp trong thời gian tới.
TTCK: Điều chỉnh khi tăng nóng là bình thường ảnh 3 Giá trị giao dịch năm 2020 tăng mạnh, đầu năm 2021 các phiên giao dịch đều trên 10.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi thị trường điều chỉnh, nhiều NĐT mới và những NĐT sử dụng margin cao sẽ phải bán ra. Điều này vô tình tạo ra làn sóng bán tháo tương tự phiên giao dịch ngày 19-1, khiến thị trường rơi vào tình trạng nguy hiểm. 
Tuy nhiên, dự báo trên cũng chỉ là giả thuyết kém tích cực, trong khi thực tế không đến mức bi quan như vậy. Có thế lấy dẫn chứng so sánh thực trạng thị trường năm 2007 với thời điểm hiện tại.
Thị trường tăng quá nóng trong thời gian ngắn dựa trên dòng tiền lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận nhanh, đã làm nhiều CP tăng vượt mức giá hợp lý. Vì vậy, việc thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh vừa qua là hiện tượng hết sức bình thường.
Nếu năm 2007 thị trường phụ thuộc khá mạnh vào dòng vốn ngoại, chỉ cần vài chục triệu USD rút ra là thị trường chao đảo, còn bây giờ cho dù vốn ngoại có bán ròng nhiều phiên thị trường vẫn không giảm do nguồn vốn NĐT trong nước là chủ yếu.
Ngoài ra hiện nay GDP Việt Nam vào khoảng 270 tỷ USD, gần gấp 4 lần năm 2007, các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu chục ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng khá nhiều so với mức doanh thu vài trăm tỷ đồng trước đây.
Độ lớn của GDP và quy mô doanh nghiệp niêm yết cũng là những yếu tố tạo nền tảng cho thị trường. Do vậy thị trường năm 2021 sẽ tích cực hơn năm 2020.
Tóm lại, với triển vọng lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, dự báo TTCK sẽ tiếp tục phát triển. Thế nhưng, do thị trường tăng quá nóng trong thời gian ngắn dựa trên dòng tiền lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận nhanh, nhiều CP đã tăng vượt mức giá hợp lý.
Chính vậy, việc thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh như vừa qua là hiện tượng hết sức bình thường. Thậm chí, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, phiên giao dịch ngày 19-1 có thể xem là nhịp điều chỉnh mạnh để có thể hồi phục tích cực hơn. NĐT có thể canh mua vào các CP cơ bản tốt đang giảm sâu hoặc đã đạt các ngưỡng cân bằng trong thời gian tới.

Các tin khác