TTCK: Rủi ro giảm điểm có thể tăng thêm

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán Việt Nam vốn chịu tác động tâm lý từ bên ngoài trong hơn 1 năm qua, do đó việc đi ngược những phiên gần đây mang lại cảm giác phiêu lưu.
TTCK: Rủi ro giảm điểm có thể tăng thêm

Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đầu tuần tới, chỉ số VN-Index có thể chịu thêm rủi ro suy giảm, do tâm lý lo ngại của giới đầu tư tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Lân cũng cho rằng, khả năng bán tháo trên thị trường lúc này là thấp, trừ khi có tin tiêu cực tác động thêm vào thị trường như thị trường chứng khoán Mỹ hay thị trường Chứng khoán châu Âu giảm mạnh.

Ông Lân cho biết, tuần qua, tâm lý lạc quan được thể hiện trên sàn chứng Việt Nam, khi chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu “đổ đèo” thì VN-Index lại tăng 1%, và số cổ phiếu tăng giá cũng rất nhiều.

Dù vậy, cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vốn chịu tác động tâm lý từ bên ngoài trong hơn 1 năm qua, do đó việc đi ngược những phiên gần đây mang lại cảm giác phiêu lưu, người mua cổ phiếu là nhà đầu tư cá nhân có lẽ chưa hề yên tâm, không mua thì phí, mua rồi thì lo và do đó nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu là chính.

Thực tế đã có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2019, ngược lại nhiều mã cổ phiếu đầu cơ lại ghi nhận tăng mạnh khi so sánh cùng thời điểm.

Lý giải về hiện tượng này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, việc cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ tăng giá tốt hơn so với cổ phiếu vốn hóa lớn cũng là chuyện dễ hiểu trong giai đoạn này.

Bởi khi thị trường xấu thì dòng tiền sẽ phải rút chạy từ thị trường chứng khoán sang các kênh đầu tư khác, nếu vẫn ở kênh chứng khoán thì nhóm cổ phiếu đầu cơ dễ được lựa chọn hơn do thị giá thấp và điều đặc biệt là hầu như không có margin (giao dịch ký quỹ) nên với tâm lý "đánh nhanh rút gọn" sẽ là lựa chọn phù hợp cho việc đầu tư lướt sóng.

Việc lướt sóng cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư không mất thời gian đọc báo cáo tài chính vì nhà đầu tư không có ý định nắm giữ lâu dài.

Theo ông Khánh, việc lướt sóng cổ phiếu chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có tâm lý vững vàng, chịu đựng rủi ro tốt, quen với những “cú sốc” thị trường và có kinh nghiệm giao dịch. Ngoài ra, việc đứng ngoài quan sát có thể mang tới cơ hội đầu tư nhưng cần một chút kiên nhẫn.

“Chúng ta cần đánh giá một xu hướng dài hạn hơn là xu hướng trong ngắn hạn mới có cái nhìn đầy đủ hơn về thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong 1 xu hướng giảm giá dài hạn từ 2018 đến nay và rõ ràng là chưa hề kết thúc. Việc phục hồi một vài phiên không mang nhiều ý nghĩa, thậm chí có thể nguy hiểm nếu không được đánh giá đầy đủ, gây ra tâm lý chủ quan, từ đó có thể dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm,” ông Khánh nói.

Theo vị chuyên gia này, việc dòng tiền vẫn đang ở ngoài thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp chưa có hồi kết và chỉ số chứng khoán liên tục phá thủng các ngưỡng hỗ trợ cho thấy những phiên phục hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn là thay đổi xu hướng giảm giá hiện nay.

Thực tế, việc khối ngoại bán ròng vẫn là điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua. Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lên đến 1.482 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Chỉ tính riêng trên sàn HOSE, kể từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, khối ngoại đã bán ròng tới 3.940 tỷ đồng.

Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tâm lý thị trường đang chịu tác động từ cả diễn biến dịch bệnh COVID-19 và hoạt động bán ròng của khối ngoại.

Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh tới thị trường kể từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các thị trường châu Á.

Các chuyên gia tới từ VDSC nhận định, trạng thái bán ròng chỉ dừng hẳn hoặc chuyển sang mua ròng khi tình hình dịch ổn định và Chính phủ Việt Nam đưa ra những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Dự thảo thông tư hướng dẫn có thể sẽ sớm được hoàn tất. Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng các ngân hàng thương mại vừa công bố gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa ít nhất 30.000 tỷ.

Tuần qua, các nhóm cổ phiếu trong tuần qua đã có diễn biến khá tích cực. Nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường tăng khá mạnh với các cổ phiếu lớn trong nhóm này như: VCB tăng 2,5%, CTG (0,2%), BID (3%), MBB (1,2%), VPB (1,1%), HDB (0,7%), ACB (0,4%). Đáng chú ý, SHB còn tăng tới 29,2% và khớp lệnh kỷ lục.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là trụ chính nâng đỡ cho thị trường chung, nhưng theo Giám đốc Tư vấn Đầu tư MBKE Phan Dũng Khánh, nhóm ngân hàng đã có sóng tăng dài nhất trong lịch sử tăng giá của nhóm này, khiến mức giá đang quá cao mà trong bối cảnh thị trường xấu sẽ dễ dẫn đến động thái chốt lời.

Nhóm dầu khí cũng tăng khá mạnh dù giá dầu không giảm. Các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: GAS tăng 0,3%, PVS tăng 1,3%, PVD tăng 4,3%, PVB tăng 0,7%, PVC tăng 1,8%, POW tăng 2,5%.

Quan sát diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí có thể thấy, dù tính cả tuần các mã cổ phiếu dầu khí vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng này có được là do nhóm dầu khí tăng mạnh vào những phiên đầu tuần. Những phiên cuối tuần, các mã cổ phiếu dầu khí đã giảm giá trở lại.

Với diễn biến thị trường hiện tại, cùng với sự đi xuống của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí ít có động lực tăng trưởng trong tuần tới.

Giá dầu thô thế giới chốt phiên 6/3 giảm mạnh khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna, Áo.

Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Tư giảm 4,62 USD, hay 10,1%, xuống 41,28 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 28/11/2014. Theo Dow Jones Market Data, mức chốt phiên này là thấp nhất kể từ tháng 8/2016.

Giá dầu thô Brent giao tháng Năm giảm 4,72 USD, hay 9,4%, xuống 45,7 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 22/6/2017.

Theo số liệu của FactSet, trong cả tuần, giá dầu WTI giảm 7,8%, trong khi giá dầu Brent giảm 8,9%.

Xét đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu MSN là tích cực nhất nhóm này khi tăng tới 10,9%, trong khi đó, các mã khác như VIC giảm 0,4%, MWG tăng 3,3%, PLX giảm 3,8%.

Kết thúc tuần giao dịch qua (từ 2-6/3), VN-Index tăng 9,25 điểm lên 891,44 điểm; HNX-Index tăng 4,084 điểm lên 113,66 điểm. Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó và cao mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Mặc dù chính phủ và các ngân hàng trung ương đã công bố hay chuẩn bị tung ra các biện pháp kích thích, song tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh chóng đã tạo áp lực lên các nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái toàn cầu.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đồng loạt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), trong phiên cuối tuần (6/3), chỉ số Nikkei 225 giảm 2,7% xuống 20.749,75 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 2,3% xuống 26.146,67 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải để mất 1,2% xuống 3.034,51 điểm.

Các thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Bangkok và Jakarta cũng đều giảm hơn 2%, còn chứng khoán Singapore, Wellington, Đài Bắc và Manila giảm hơn 1%. Chứng khoán Mumbai giảm 3%, trong đó giá cổ phiếu của Yes Bank có lúc giảm hơn 70% sau khi Ngân hàng trung ương nước này nắm quyền kiểm soát và áp đặt hạn chế rút tiền do gặp khó khăn về tài chính.

Khép lại phiên 6/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 256,50 điểm, hay 1%, xuống còn 25.864,78 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 để mất 51,57 điểm, hay 1,7%, xuống 2.972,37 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq khép phiên với mức giảm 162,98 điểm, hay 1,9%, xuống 8.575,62 điểm.

Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh quốc tế, du lịch, trường học và các sự kiện thể thao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người này.

Cùng ngày, S&P Global cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này có thể khiến các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại 211 tỷ USD trong năm nay và đẩy tăng trưởng xuống mức 4%, mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Các tin khác