VHC - Những tín hiệu bất ổn

(ĐTTCO) - CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là một trong số ít doanh nghiệp thủy sản duy trì được đà tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết trên TTCK. Thế nhưng, quyết định dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào TTCK của VHC, đã khiến nhiều cổ đông lo ngại, bởi từng có nhiều ông lớn “ngã ngựa” vì hình thức đầu tư trái ngành này.
Vượt khó, thăng hoa
VHC được thành lập cuối năm 1997 tại Đồng Tháp, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 300 triệu đồng. Năm 2007, VHC chuyển đổi mô hình thành CTCP, với lĩnh vực kinh doanh chính chế biến xuất khẩu cá tra, basa đông lạnh. Đây có thể xem là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của VHC trong những năm kế tiếp: Nhận chứng chỉ AquaGap về nuôi cá tra (năm 2009), đứng đầu ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam (2010), chứng chỉ BAP (Best Aquaculture Practice) với cấp  độ “2 sao” cho nhà máy chế biến và vùng nuôi (2011), doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận chứng nhận nuôi bền vững ASC (Aquaculture  Stewardship Council) cho trại nuôi cá tra (2012), khởi công xây dựng nhà máy sản xuất Collagen và Gelatin (C-G) với công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm (2013), doanh nghiệp thủy sản duy nhất lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn (2014). 
VHC - Những tín hiệu bất ổn ảnh 1 Chế biến hải sản tại VHC.
Với sự đầu tư bài bản chuỗi giá trị sản xuất có giá trị gia tăng, VHC là một trong số ít doanh nghiệp thủy sản luôn vượt qua khó khăn của thị trường. Đơn cử năm 2019 đầy thách thức với việc hàng tồn kho quá mức ở các thị trường, và nguồn cung vượt mức tại Việt Nam đến từ sự tăng mạnh về sản lượng nuôi trồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của VHC vẫn hết sức tích cực với lợi nhuận ròng vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Đây là năm ghi nhận thành tích tốt thứ 2 trong lịch sử hoạt động của VHC. Trước đó, 2018 là năm “thăng hoa” của VHC với mức lợi nhuận khủng 1.442 tỷ đồng. 
Đóng góp vào kết quả kinh doanh này là mảng C-G đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số vượt bậc trong năm 2019, với mức xấp xỉ 90% (đạt 535 tỷ đồng). Theo VHC, C-G có biên lãi gộp hơn 40%, so với biên lãi gộp 22-25% của nhóm cá tra và 12-16% của phi-lê đông lạnh. Do đó, trong dài hạn, C-G sẽ đóng vai trò ổn định biên lợi nhuận cho VHC trước các biến động mang tính chu kỳ của ngành cá tra. Trong năm 2020, VHC đặt kế hoạch tăng trưởng doanh số C-G đạt 60%.

Tác động tiêu cực từ Covid-19
Sau 2 năm vượt mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, VHC bắt đầu nếm mùi khó khăn khi dịch Covid-19 bất ngờ lây lan mạnh từ đầu năm 2020. Dịch bệnh lan rộng đang làm nhu cầu cá tra tại các thị trường chính của VHC là Mỹ và EU suy yếu, do người tiêu dùng các nước này gia tăng tích trữ thực phẩm khô và đồ hộp, đồng thời hạn chế dùng bữa bên ngoài. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, VHC bán cho chuỗi nhà hàng chiếm tỷ trọng hơn 60%, còn lại kênh bán lẻ, siêu thị chiếm 40%. 
Đứng trước khó khăn này, VHC đẩy mạnh bán hàng vào nhiều thị trường khác nhằm bù đắp cho thị trường Mỹ và EU, đặc biệt là thị trường lớn Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh và nhiều hệ thống nhà hàng tại đây đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do giá bán tại Trung Quốc và các thị trường khác thấp hơn tại Mỹ và EU, biên lãi gộp của VHC sẽ chịu áp lực giảm. 
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2020, doanh thu và lợi nhuận của VHC giảm mạnh với 1.630 tỷ đồng (giảm 19,5%) và 215,4 tỷ đồng (giảm 48,7%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, VHC ghi nhận doanh thu giảm 14,4% (đạt 3.266 tỷ đồng) và lợi nhuận ròng giảm 49,5% (đạt 367,6 tỷ đồng). Dù mức giảm này vẫn thấp hơn so với trung bình ngành, nhưng đây vẫn là con số đáng báo động với VHC khi lợi nhuận ghi nhận tỷ lệ giảm lên đến 50%. Với mức suy giảm này, nhiều khả năng VHC sẽ đánh mất mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020. 

Dấu hiệu báo động
Trở lại năm 2007, VHC niêm yết CP trên HOSE với giá tham chiếu 62.000 đồng/CP. Dù lĩnh vực thủy sản trải qua nhiều thăng trầm với hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhưng nhờ duy trì được kết quả kinh doanh ổn định, VHC vẫn giữ vững được thị phần thứ 2 trên thị trường, chỉ sau CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Trên TTCK, giá CP VHC chưa từng giảm xuống dưới mệnh giá. Thậm chí, ngay trong thời điểm TTCK điều chỉnh giảm đầu năm 2019, VHC vẫn được giao dịch trên mốc 100.000 đồng/CP. 
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không mấy tích cực do tác động từ thị trường xuất khẩu Mỹ và EU khiến VHC liên tục sụt giảm. Tại thời điểm cuối tháng 3-2020, khi TTCK lao dốc do tác động từ Covid-19, có thời điểm VHC giảm về sát mốc 20.000 đồng/CP.  
Bên cạnh sự sụt giảm về lợi nhuận, gần đây cổ đông của VHC có thêm nỗi lo mới là quyết định dùng tiền mặt đầu tư vào TTCK. Theo thống kê tính đến cuối tháng 6, VHC có 143,5 tỷ đồng tiền mặt và lượng tiền gởi ngân hàng lên đến 1.491 tỷ đồng. Tuy nhiên, BCTC của VHC bất ngờ thể hiện khoản đầu tư hơn 193,5 tỷ đồng đầu tư vào TTCK. Theo đại diện VHC, đầu tư vào TTCK không phải là chiến lược dài hạn của doanh nghiệp, mà nhằm tận dụng cơ hội tối ưu hóa lượng tiền mặt trong thời điểm lãi suất tiền gởi tại các ngân hàng đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với trước. 
Dù danh mục đầu tư của VHC tập trung vào các CP vốn hóa lớn trong VN30 (MWG, HPG, FPT), và khoản đầu tư này tương đối khiêm tốn so với bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Thế nhưng, với cổ đông đây là khoản đầu tư trái ngành có quá nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh TTCK diễn biến khó lường do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Lo lắng của cổ đông hoàn toàn có cơ sở, khi thực tế trước đó đã có nhiều doanh nghiệp lớn hơn VHC nhiều lần đã phải “nếm trái đắng” khi đầu tư vào TTCK. Đơn cử là MPC, anh cả của ngành thủy sản, từng thua lỗ nặng trong năm 2008 vì đầu tư vào CP.
 Việc lãnh đạo doanh nghiệp muốn tối ưu tối đa hiệu suất của đồng vốn là điều hết sức bình thường trong kinh doanh. Nhưng thay vì tự đầu tư doanh nghiệp có thể ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro.

Các tin khác