Vi phạm công bố thông tin ngày càng trầm trọng

(ĐTTCO) - Vi phạm công bố thông tin (CBTT) trên TTCK đang có chiều hướng gia tăng. Việc Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) vừa có công văn nhắc nhở trên toàn thị trường về khả năng tạm ngừng giao dịch 32 doanh nghiệp do vi phạm CBTT, khiến cho giới đầu tư hết sức ngỡ ngàng.   

Quy định đã có
Trong Công văn 473/TB-SGDHN vừa được ban hành, HNX nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017. Theo đó, 32 tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố quá 30 ngày so với thời hạn quy định đối với BCTC kiểm toán năm 2017.
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 155/2015/TT-BTC, hướng dẫn về CBTT trên TTCK: Công ty đại chúng phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán, nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trường hợp công ty đại chúng không thể hoàn thành việc công bố BCTC năm trong thời hạn nêu trên, do phải lập BCTC năm hợp nhất hoặc BCTC năm tổng hợp, hoặc do các công ty con, công ty liên kết của công ty đại chúng cũng phải lập BCTC năm có kiểm toán, BCTC năm hợp nhất, hoặc BCTC năm tổng hợp, thì UBCKNN xem xét gia hạn thời gian công bố BCTC năm khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 100 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch tiếp tục chậm CBTT quá 45 ngày so với thời hạn quy định, HNX sẽ xem xét áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch tối đa 5 phiên giao dịch.
Vi phạm công bố thông tin ngày càng trầm trọng ảnh 1 Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã 2 năm liền 2015 và 2016 vi phạm CBTT, nếu năm 2017 tiếp tục vi phạm sẽ đưa vào diện tạm ngừng giao dịch. 
Vô tư vi phạm
Trước đó, Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) cũng có văn bản gửi đến CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), lưu ý cả 2 công ty phải thực hiện tốt việc CBTT để tránh rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.
Bởi HOSE đã từng nhắc nhở HAG và HNG về việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2015 công ty mẹ và hợp nhất; chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2016 công ty mẹ và hợp nhất. Như vậy, 2 doanh nghiệp này đã chậm nộp BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp. Theo HOSE, nếu không thực hiện đầy đủ yêu cầu về thời gian nộp BCTC kiểm toán năm 2017, đây sẽ là năm thứ 3 HAG và HNG chậm CBTT. Điểm k, Khoản 1, Điều 60 Nghị định 58/2012 của Chính phủ quy định: CK bị hủy bỏ niêm yết khi tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp. 
Với doanh nghiệp niêm yết lâu năm trên TTCK như HAG, việc thường xuyên vi phạm quy định CBTT là hết sức bất thường, nhưng với NĐT từng nắm giữ CP của tập đoàn này thì đây là việc hết sức bình thường. Có lẽ NĐT đã quá quen thuộc với việc chậm nộp BCTC, và cả những lý do mà tập đoàn này biện bạch cho sự chậm trễ này gần như không thay đổi.
Cụ thể, trong các công văn gởi đến HOSE xin gia hạn CBTT các BCTC riêng và hợp nhất kiểm toán, lý do cả 2 công ty đưa ra thường có nội dung: “Do có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhiều công ty con, công ty liên kết ở nước ngoài (Lào, Campuchia). Việc tập hợp số liệu phục vụ công tác lập BCTC riêng và hợp nhất khá phức tạp và mất nhiều thời gian”. Cũng trong công văn này, cả 2 doanh nghiệp đều hứa hẹn sẽ tích cực phối hợp với công ty kiểm toán, và dự kiến có thể hoàn thành và BCTC trong thời gian sớm nhất.
Tương tự là trường hợp BT6, 1 trong 32 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhắc nhở toàn thị trường của HNX. BT6 là một trong 10 mã CP đầu tiên niêm yết trên sàn HOSE (chào sàn ngày 18-4-2002). Đến tháng 11-2015, doanh nghiệp này bất ngờ hủy niêm yết HOSE với lý do tập trung tái cơ cấu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, mặc dù tình hình thời điểm bấy giờ vẫn hết sức khả quan.
Tuy nhiên, theo giới đầu tư, lý do chính của quyết định này là do doanh nghiệp thường xuyên vi phạm CBTT và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Cụ thể, đầu năm 2015, BT6 đã từng rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết vì chậm nộp BCTC kiểm toán các năm 2012, 2013 và 2014. Nguyên nhân của việc chậm trễ này theo giải trình là do các công ty liên kết (không phải công ty đại chúng) chậm trễ không gửi đủ BCTC để BT6 tiến hành hoàn thiện BCTC hợp nhất.
Điều đáng nói, là sau hơn 1 năm tái cơ cấu, tháng 3-2017, BT6 tái xuất trên sàn UPCoM nhưng tình trạng vi phạm CBTT thì không thay đổi. Giao dịch trên UPCoM được hơn nửa năm thì BT6 bị đưa vào danh sách CP bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần), do không khắc phục được tình trạng vi phạm CBTT.

Chế tài không đủ răn đe
Có thể khẳng định, hiện tượng doanh nghiệp niêm yết vô tư vi phạm CBTT là do các quyết định xử phạt của cơ quan quản lý còn quá nhẹ. Đơn cử là trường hợp CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC). Đây là doanh nghiệp thường xuyên vi phạm các quy định về CBTT trên sàn TTCK.
Mới đây, KVC bị UBCKNN xử phạt hàng loạt vi phạm như: chậm nộp BCTC, chậm nộp giải trình chênh lệch lợi nhuận, hợp đổng chuyển nhượng đất, quyết định đầu tư tài chính vào CTCP Bến Thành Long Hải… Dù UBCKNN đã nhắc đến tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần, nhưng mức xử phạt cũng chỉ có 100 triệu đồng. 
Tương tự, với hơn 20 lỗi vi phạm về chậm trễ CBTT từ năm 2015 đến nay, nhưng CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (HKB) chỉ bị UBCKNN xử phạt 70 triệu đồng. Hay như trường hợp CTCP Đầu tư Passion Investment (PIF), bị UBCKNN xử phạt 62,5 triệu đồng với loạt sai phạm trong việc mua bán CP nhưng không CBTT. Với HAG, dù liên tục sai phạm trong thời gian dài, nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ bị xử phạt số tiền 60 triệu đồng.
Với chế tài như trên, việc doanh nghiệp vô tư vi phạm CBTT là điều không khó lý giải. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực CK, UBCKNN cần có giải pháp kiên quyết hơn nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch BCTC kiểm toán của công ty đại chúng công bố ra thị trường; tăng cường giám sát việc CBTT của tổ chức niêm yết, công tác giám sát chất lượng kiểm toán BCTC của các tổ chức kiểm toán được chấp thuận; xử lý nghiêm các tổ chức CBTT có nội dung không chính xác, sai lệch tại BCTC; xử lý tổ chức kiểm toán, kiểm toán thực hiện kiểm toán không đạt yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của doanh nghiệp.
Nếu việc vi phạm CBTT không được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và khả năng thu hút vốn trên TTCK cũng giảm sút đáng kể. 
Doanh nghiệp không nên xem CBTT đơn thuần là việc tuân thủ pháp luật, mà cần xem đó như một hành động thể hiện trách nhiệm của mình đối với cổ đông, những người góp vốn và song hành cùng hoạt động của doanh nghiệp.

 Những doanh nghiệp có nguy cơ tạm ngừng giao dịch

CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (ANT)
CTCP Beton (BT6)
CTCP Cầu Đuống (CDG)
CTCP Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (CMN)
CTCP Du lịch và Thương mại DIC (DCD)
CTCP Đầu tư tài chính giáo dục (EFI)
CTCP Điện cơ (EME)
CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (FRM)
CTCP Công nghiệp - Thương mại Hữu Nghị (FTI)
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HAN)
CTCP Rượu Hapro (HAV)
CTCP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội (HCS)
CTCP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEP)
CTCP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (HLS)
CTCP Cao su Hà Nội (HRG)
CTCP Môi trường đô thị Kon Tum (KTU)
CTCP Dịch vụ Một thế giới (ONW)
CTCP Cơ khí điện lực (PEC)
CTCP Dịch vụ - Xây dựng công trình bưu điện (PTO)
CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (QLT)
CTCP Đường bộ Lào Cai (RLC)
CTCP Trục vớt cứu hộ Việt Nam (SAL)
CTCP Sông Đà 3 (SD3)
CTCP PCCC và Đầu tư xây dựng Sông Đà (SDX)
CTCP Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SON)
CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (SSN)
CTCP Du lịch Trường Sơn Coecco (TSD)
CTCP Viglacera Hà Nội (VIH)
Tổng CTCP Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIW)
CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG)
CTCP Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc (VPW)
CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh (WTN)

Các tin khác