Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu kỷ lục?

(ĐTTCO) - Chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch “hoảng loạn” khi VNIndex “bốc hơi” gần 61 điểm, xuống còn 1.131 điểm trong ngày 19/1, mức giảm lớn nhất của thị trường sau hơn 20 năm thành lập đến nay.

Không có thông tin bất thường, không một dấu hiệu báo trước, thế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch “hoảng loạn” khi chỉ số VNIndex “bốc hơi” gần 61 điểm, xuống còn 1.131 điểm trong ngày 19/1.

Đây cũng là phiên giảm điểm lớn nhất của thị trường chứng khoán sau hơn 20 năm thành lập đến nay.

Nhà đầu tư F0 “xả hàng” nghỉ Tết?

Dữ liệu thống kê cho thấy, chỉ số VNIndex giảm mạnh ngay trong phiên sáng và mất tới hơn 75 điểm, tới phiên chiều đà giảm đã có xu hướng thu hẹp nhưng mức giảm vẫn là rất lớn.

Dòng tiền đầu tư suy yếu với 18/19 nhóm ngành giảm điểm. Toàn sàn chỉ có 44 mã tăng giá, trong khi có tới 437 mã giảm giá; trong đó có tới 98 mã giảm sàn. Ngay cả phiên giảm mạnh nhất do COVID-19 trong tháng 3/2020, chỉ số VNIndex cũng chỉ mất 55,95 điểm (-6,28% tại ngày 9/3/2020).

Nhóm cổ phiếu tài chính đồng loạt giảm sàn và là nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc. Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng như mã CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giảm 7% so với phiên trước đó, BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (-7%)...; cổ phiếu chứng khoán như mã SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI  (-6,9%), HCM của Công ty cổ phần Chứng khoán Hồ Chí Minh (-6.9%); cổ phiếu ngành bảo hiểm như PVI của Công ty cổ phần PVI (-9,9%), BMI của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (-6,9%).

Lý giải nguyên nhân thị trường “lao dốc” trong phiên giao dịch ngày 19/1, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, đó là do tâm lý nghỉ Tết sớm bắt đầu xuất hiện trong nhóm nhà đầu tư cá nhân F0 (nhà đầu tư mới tham gia thị trường).

Thống kê cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có xu hướng bán ra từ tuần trước (từ ngày 11-15/1/2021) khi giá trị giao dịch bán ròng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Dù tuần này chưa có số liệu, song ông Minh cho rằng, vẫn là xu hướng bán ròng của nhóm nhà đầu tư này.

Sau khi thị trường chứng khoản sụt giảm mạnh do dịch COVID-19, từ tháng 4/2020 đến nay, nhà đầu tư F0 được xem là nhân tố quan trọng “gánh vác” thị trường, kéo thị trường tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

Do vậy, với tâm lý nghỉ Tết sớm và muốn chốt lời sau khoảng thời gian thị trường bùng nổ vừa qua thì áp lực bán ra từ nhóm đầu tư cá nhân có thể sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây gặp lực cản rất lớn, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Cụ thể, về mặt thống kê, chỉ số VNIndex đã chạm mốc lịch sử 1.200 điểm, tương đương gần 2 lần độ lệch chuẩn của chỉ số PE trung bình trong 10 năm gần đây. Lịch sử giao dịch cũng ghi nhận mỗi lần VNIndex chạm 2 lần độ lệch chuẩn của PE thì đều có xu hướng giảm mạnh dù không có nguyên nhân gì rõ ràng, như từng xảy ra vào năm 2008.

Do vậy, trong ngắn hạn, cả hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường tiếp tục giảm điểm. Mức giảm điểm có thể lên tới từ 10-15% so với mốc điểm 1.200.

Vi sao thi truong chung khoan Viet Nam giam sau ky luc? hinh anh 2Ảnh minh họa.

Giám đốc tư vấn đầu tư của một công ty chứng khoán khác cho rằng, việc thị trường “rung lắc” mạnh là cần thiết để tạo động lực tăng tiếp cho thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu tăng nóng trong thời gian qua và lượng cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán không còn nhiều.

Tại một số nhóm, diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước các thông tin liên quan đến dư nợ margin ở các công ty chứng khoán đạt mức cao kỷ lục. Đồng thời, liên tục xuất hiện thông tin nghẽn hệ thống giao dịch hay có dấu hiệu bất thường. Đây có thể là những nguyên nhân chính nhà đầu tư đẩy mạnh việc chốt lời, khiến thị trường giảm điểm sâu trong ngày 18/1.

Chưa có “bong bóng” chứng khoán

Việc thị trường đột ngột lao dốc sau một khoảng thời gian dài tăng nóng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có phải “bong bóng” chứng khoán đang vỡ? Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích đầu tư của các công ty chứng khoán phủ nhận lo ngại này.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua chưa đáng lo ngại. Bởi lẽ, mức định giá P/E của VNIndex chưa vào mức cao nhất trong lịch sử, vẫn còn khá rẻ so với nhiều thị trường trong khu vực.

Hiện P/E của VNIndex ở mức 20 lần, dù định giá không còn rẻ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức P/E 22 lần vào năm 2018 khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử 1.200 điểm. Do vậy, chưa phải thời điểm xuất hiện “bong bóng” chứng khoán.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dù thị trường có tăng mạnh song thời điểm qua chưa xuất hiện hiện tượng bong bóng trong đầu tư chứng khoán.

Theo ông Phương, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Ngoài định giá P/E thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực, thì có nhiều cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp trong năm 2021.

Tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là sắp đến thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020. Khi đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp tăng sẽ đẩy P/E xuống nữa, định giá của doanh nghiệp theo đó sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.

Mặt khác, việc nhà đầu tư bán mạnh trong hôm nay sẽ giúp lượng margin của các công ty chứng khoán bớt căng thẳng. Lượng tiền mới đổ vào sẽ tốt hơn và thị trường có thể sẽ khó giảm sâu trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện tại tâm lý của nhà đầu tư rất quan trọng. Nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát thị trường, tránh tâm lý hoảng loạn, bán tháo không cần thiết.

Các tin khác