VN Index bứt phá, nhiều mã tăng mạnh

(ĐTTCO) - TTCK những ngày gần đây diễn ra với sự hồ hởi của nhiều NĐT khi VN Index tiến sát ngưỡng 1.000 điểm. Trong trường hợp chỉ số này vượt 1.000 điểm, kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào, giá CP sẽ bật lên. 
Nhưng thực tế, kể từ khi VN Index tăng từ ngưỡng dưới 900 điểm lên vùng 990 điểm, tức chỉ tăng 10%, nhưng nhiều CP đã  tăng 30-50%, tức gấp 3-5 lần so với thị trường.
Dầu khí trở lại
Hồi đầu tháng 7, khi VN Index có những ngày rớt xuống dưới 900 điểm, GAS cũng có lúc chạm ngưỡng 70.000 đồng/CP. Nhưng trong phiên 19-9, CP này đã vượt ngưỡng 110.000 đồng/CP. Nếu ai bắt đáy GAS cách đây 2 tháng và giữ đến thời điểm hiện tại, CP này đã tăng giá hơn 50%.
Trong trường hợp “tất tay” sử dụng margin với tỷ lệ 1:1, tài khoản đã nhân đôi, suất sinh lời 100%. GAS cũng là đầu tàu để kéo một loạt CP “họ dầu” khác tăng mạnh. Chẳng hạn trong cùng khoảng thời gian GAS tăng gấp rưỡi, PVS cũng tăng từ dưới 16.000 đồng/CP lên gần 24.000 đồng/CP, tức tỷ suất gần bằng GAS; rồi PVD cũng tăng từ hơn 12.000 đồng/CP lên gần 18.000 đồng/CP. 
 Lo ngại chiến tranh thương mại dường như đã được phản ánh hết vào diễn biến TTCK trong quý II-2018. Thị trường đã chuyển sang trạng thái mới tích cực hơn, đó là lựa chọn những ngành nghề có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại trong thời gian tới. 
Nhóm CP dầu khí tăng giá mạnh lại kèm theo thanh khoản hiện cũng đạt ở mức cao, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại CP này do các tin tức hỗ trợ, chẳng hạn giá dầu thế giới có xu hướng tăng, rồi định giá CP đã trở về mức hấp dẫn… Không dừng lại ở blue chips của nhóm này, ngay cả những CP có vốn điều lệ nhỏ cũng tạo ra những bất ngờ.
Như trường hợp của PVB, hồi đầu tháng 7 giảm xuống còn 14.000 đồng/CP, nhưng 1 tháng sau đó đã tăng lên 18.000 đồng/CP và bật tiếp lên 22.000 đồng/CP trong những phiên gần đây. Trên sàn UPCoM, POW cũng đã phục hồi từ mức 11.000 đồng/CP lên hơn 15.000 đồng/CP trong vòng 2 tháng, BSR tăng từ 14.000 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP cũng trong cùng khoảng thời gian. 2 tháng không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng việc nhóm CP tăng mạnh trên diện rộng, từ HOSE đến HNX và cả UPCoM, có thể phát ra những tín hiệu tích cực cho nhóm CP này trong thời gian tới.

Tài chính ngân hàng cùng “phất”
Hồi đầu tháng 6, giá của BVH còn ở ngưỡng 95.000 đồng/CP. Nhưng sau 1 tháng điều chỉnh CP này chỉ còn 70.000 đồng và phần lớn thời gian của tháng 7 BVH phục hồi giá nhưng khá chật vật. Những ai hay theo dõi giá CP này cũng cho rằng chỉ cần vượt qua ngưỡng 80.000 đồng/CP cũng đã thành công. Dù vậy, trong nửa đầu tháng 9, BVH đã tiệm cận ngưỡng 100.000 đồng/CP trở lại.
Vì thế, chưa kể việc chia cổ tức 10%  bằng tiền mặt, tổng thu nhập BVH có thể đem lại cho NĐT nếu mua và giữ trong 2 tháng qua lên đến gần 50%. Sự phục hồi của BVH thực chất không có gì bất ngờ khi tập đoàn này liên tục công bố kết quả kinh doanh tích cực, chia cổ tức, thị phần dẫn đầu. Tuy nhiên CP này có kiểu tăng “no dồn đói góp”, có khi lình xình vài phiên, nhưng chỉ cần 1 phiên tăng mạnh lại xác nhận xu hướng tăng mới.  
VN Index bứt phá, nhiều mã tăng mạnh ảnh 1 GAS là mã tăng mạnh nhất tạo động lực cho nhóm CP dầu khí bứt phá. 
Điều này cũng diễn ra tương tự với nhóm CP chứng khoán. Như SSI trong giai đoạn cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 đã có 3 lần chạm đáy 26.000 đồng/CP, nhưng sau đó liên tục tăng mạnh và gần như không bỏ lỡ đợt sóng nào của thị trường chung, và đến nay đã vượt ngưỡng 32.000 đồng/CP. VND sau khi tiến về vùng 15.000 đồng/CP để tạo đáy hồi đầu tháng 7, đến 11-9 đã áp sát ngưỡng 24.000 đồng/CP, tức tăng giá 1,5 lần sau 2 tháng. 
Nhóm CP ngân hàng (NH) vốn kén thị trường, tức chỉ bùng nổ trong điều kiện thị trường thuận lợi, cũng đi trước sóng trong 2 tháng qua. Theo đó, VCB đã tạo đáy 48.000 đồng/CP vào cuối tháng 6, trước khi VN Index xác nhận đáy 900 điểm vào đầu tháng 7.
Với mức giá trên dưới 64.000 đồng/CP hiện nay, VCB đã tăng trở lại với tỷ lệ hơn 33%, nghĩa là cao gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng của VN Index. Tăng tương tự VCB là CTG khi bật từ ngưỡng gần 2.0 lên hơn 2.7, HDB từ gần 3.0 lên gần 3.9. Tỷ lệ tăng giá ấn tượng hơn cả là BID khi từ “đáy” 2.1 hơn 2 tháng trước, nay đã vượt ngưỡng 3.5, tỷ lệ tăng giá tương ứng 66%.

Ẩn số dệt may, thủy sản
Trong nhóm CP của doanh nghiệp lớn, đầu ngành thủy sản trên sàn, VHC thuộc nhóm có tỷ lệ tăng vào loại mạnh nhất, từ mức giá đáy 5.0 thiết lập vào cuối tháng 6, đến ngày 17-9 CP này đã chạm ngưỡng 9.0, tỷ lệ tăng giá lên đến 80%. Quý II-2018, VHC báo lãi gần 330 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với tỷ lệ tăng giá ấn tượng, VHC được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp lớn sẽ có những kết quả kinh doanh thuận lợi trong thời gian tới. Vùng giá 9.0 của VHC cũng là vùng giá kỷ lục trong lịch sử của CP này kể từ khi lên sàn vào năm 2007. Biến động giá của VHC trong thời gian qua cũng như sắp tới vẫn là ẩn số, vì dù tăng giá rất mạnh nhưng thanh khoản của CP này chỉ ở mức trung bình khi chỉ đạt vài trăm ngàn CP mỗi phiên, có những phiên chỉ vài chục ngàn CP khớp lệnh. ANV cũng là một CP trong ngành thủy sản cũng phục hồi khá ấn tượng trong thời gian qua dù chưa thể so với VHC, từ mức giá đáy dưới 1.6, đến giữa tuần này ANV tăng lên 2.2.
Nếu thủy sản có VHC tăng gần gấp đôi, dệt may có TCM cũng tăng từ 1.6 vào đầu tháng 7 đến phiên 19-9 đã vượt ngưỡng 3.0. Khác với VHC có phần kén người giao dịch, TCM thuộc nhóm hàng có tính thị trường rất cao. Phiên 18-9, khi đóng cửa đạt 29.800 đồng/CP, thanh khoản của TCM đạt 1,6 triệu CP khớp lệnh.
Hay phiên 11-9, TCM tăng kịch trần lên 25.650 đồng/CP, cũng có gần 1,65 triệu CP được giao dịch. Cũng tương tự thủy sản, dệt may được kỳ vọng hưởng lợi nhờ hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, mùa cuối năm cũng là cao điểm cho các đơn hàng, có xu hướng đang tăng nên số lượng không quá nhiều, CP dệt may trên sàn cũng có thể được hưởng lợi.

Các tin khác