Vốn ngoại bán ròng, đến lúc cũng phải lo

(ĐTTCO) - Liên tiếp những tháng bán ròng của vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khiến những giao dịch này trở nên nhàm chán. Trong khi đó dòng vốn trong nước lại tăng trưởng vượt bậc, trở thành động lực chính duy trì đà tăng chung. Tuy vậy xu hướng bán ròng này đang đi đến thời điểm hội tụ quan trọng, khi áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng và lịch sử cho thấy giai đoạn như vậy sẽ làm thay đổi dòng chảy của dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Kỷ lục 9 tháng với trên 40.000 tỷ đồng rút ròng
Dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam bắt đầu có tín hiệu đảo chiều từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến Việt Nam gặp khó khăn trong thương mại với quốc gia này.
Trong năm 2020 quy mô bán ròng khoảng 18.900 tỷ đồng, tương đương gần 822 triệu USD. Riêng cổ phiếu (CP) trên sàn HoSE năm 2020 bị bán ròng 17.723 tỷ đồng.
9 tháng năm 2021, áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn không dừng lại mà còn tăng cường độ: Khoảng 40.000 tỷ đồng đã được bán ròng, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ 9 tháng 2020.
Riêng CP trên HoSE bị bán ròng 43.787 tỷ đồng. Chưa hết, chỉ từ đầu tháng 10 đến ngày 20-10, sàn HoSE lại chứng kiến mức bán ròng thêm 4.704 tỷ đồng nữa, trong đó riêng CP là hơn 4.843 tỷ đồng.
Theo nghiên cứu của CTCK SSI, dòng vốn ETF theo tháng trên thị trường Việt Nam cũng bị rút ra mạnh nhất trong 2 năm gần đây. Trong tháng 9, khoảng 2.300 tỷ đồng vốn này đã chảy ngược.
Đáng chú ý là tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều bị rút vốn, mạnh nhất là ở các quỹ ngoại: FTSE bị rút ròng 1.275 tỷ đồng, Fubon bị rút 153 tỷ đồng, V.N.M ETF bị rút 22 tỷ đồng. Chưa hết, nhóm quỹ nội cũng có VNDiamond ETF bị rút đi 990 tỷ đồng.
Các con số thống kê này rất dễ tìm và cũng được báo cáo hàng tuần, hàng tháng. Tuy nhiên không mấy nhà đầu tư tỏ ra lo ngại chuỗi ngày bán ròng rã như vậy. Một phần lý do là năm 2020 tuy dòng vốn nước ngoài rút đi rất nhiều, nhưng TTCK Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ngoạn mục, kéo theo hàng trăm ngàn tài khoản mới mở của NĐT cá nhân trong nước.
Dòng vốn này đã cân bằng với áp lực rút vốn của khối ngoại. Sang năm 2021, xu hướng này vẫn tiếp tục: Từ tháng 3 tới tháng 9, số tài khoản mở mới của NĐT cá nhân trong nước đều vượt 100.000 tài khoản mỗi tháng. Lũy kế 9 tháng, riêng nhóm này đã mở 956.081 tài khoản mới, trong khi cả năm 2020 mới mở được 392.527 tài khoản.
Về mặt thị trường, rõ ràng là chẳng có gì đáng ngại nếu NĐT nước ngoài bán ra bao nhiêu được NĐT trong nước mua hết bấy nhiêu, thậm chí còn mua nhiều hơn và kéo thị trường tăng giá. Đối với các NĐT cá nhân, chỉ cần giá tăng là đủ.
Với mức thanh khoản gia tăng mạnh mẽ gần đây, tỷ trọng giao dịch của dòng vốn ngoại ngày càng thấp và trung bình tháng đã xuống dưới mức 10% từ năm ngoái, càng khiến dòng vốn này ít được quan tâm.
Vốn ngoại bán ròng, đến lúc cũng phải lo ảnh 1
Áp lực lạm phát toàn cầu tiếp tục thúc đẩy dòng vốn rút ra?
Trong chuỗi tháng bán ra ròng rã của NĐT nước ngoài, số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy 9 tháng qua khối ngoại đã rút ra khỏi Việt Nam khoảng 444 triệu USD, nhưng giá trị lũy kế chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của NĐT nước ngoài, đồng thời thấp hơn giá trị bán ròng hàng ngày.
Ngoài ra NĐT nước ngoài cũng mua ròng khoảng 10.113 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Đây là tin vui vì có thể giao dịch bán của NĐT nước ngoài mang tính cơ cấu danh mục nhiều hơn. 
Mặc dù vậy, việc bán ròng liên tục quá lâu không bao giờ là hành động bình thường. Vì bất kỳ lý do gì, đặc biệt là cơ cấu danh mục, mức vốn vào ít hơn chảy ra khỏi thị trường nghĩa là kênh đầu tư CP không còn hấp dẫn một bộ phận dòng vốn này nữa, hoặc có các thị trường khác hấp dẫn hơn.
Trong suốt cả năm 2020 và 2021, hầu như tháng nào dòng vốn này cũng rút ròng ra khỏi CP, nếu không tính vài giao dịch đặc thù như mua cổ phần lô lớn của một số doanh nghiệp niêm yết. Không thể có lý do nào để biện hộ được sự thay đổi như vậy.
TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn, rất nhiều căn cứ để xác nhận điều này, từ mức định giá thấp qua tỷ lệ P/E đến triển vọng tăng trưởng hậu đại dịch năm 2022... Tuy nhiên bức tranh phía trước cũng có không chỉ toàn màu hồng.
Mối lo lạm phát toàn cầu đang gia tăng cùng với sự khan hiếm hàng hóa, giá dầu tăng kỷ lục và nguy cơ kỷ nguyên vốn rẻ kết thúc cùng với việc Fed và các ngân hàng trung ương cắt giảm chương trình mua trái phiếu, nâng dần lãi suất. 
Lãi suất thấp, tiền rẻ khắp nơi, kể cả Việt Nam, là động lực cho các TTCK tăng trưởng kéo dài, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tất cả các NĐT đều hiểu rằng TTCK đang hưởng lợi và cái lợi đó không bao giờ có thể kéo dài mãi mãi.
Chu kỳ vốn rẻ kéo dài từ 2008 tưởng như đã kết thúc từ 2018-2019, nhưng Covid-19 lại bất ngờ buộc chính sách này phải kéo dài hơn. Cũng như các chu kỳ nới lỏng trước đây, hiệu ứng lạm phát có độ trễ và việc vay nợ quá nhiều sẽ đẩy rủi ro vào tương lai.
Dòng vốn ETF hay các quỹ mở bùng nổ tạo nên mối liên kết lỏng lẻo giữ dòng vốn đầu tư với bất kỳ thị trường nào. Khi chi phí vốn tăng, dòng vốn ETF có thể thay đổi rất nhanh vì đó cũng là đặc điểm hấp dẫn của loại hình quỹ này.
Đối với dòng vốn trong nước, có lẽ không có nhiều lựa chọn kênh đầu tư ngoài chứng khoán. Một phần lý do là hiệu suất đầu tư trên TTCK cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.
Việc thu hút một lượng lớn NĐT cá nhân mới tham gia cũng đồng nghĩa với rất nhiều NĐT hiện tại chưa từng chứng kiến hiệu ứng của sự dịch chuyển dòng vốn khi thời kỳ tiền rẻ kết thúc. Khi lạm phát tăng và lãi suất tăng, các yếu tố định giá hỗ trợ TTCK cũng sẽ trở nên bất lợi hơn. 

Các tin khác