Vốn ngoại quay lại, nhưng đi đường vòng

(ĐTTCO)-Ở thời điểm hiện tại, rất khó để đưa ra nhận định chính xác thời điểm vốn ngoại quay trở lại với thị trường. Tuy nhiên có điều gần như chắc chắn, nếu khối ngoại quay lại các quỹ ETF sẽ là lựa chọn hàng đầu của dòng vốn này.
Vốn ngoại quay lại, nhưng đi đường vòng
NĐT nội làm chủ 
Báo cáo “Asian In Focus” vừa được Goldman Sachs thực hiện, cho biết sự tham gia của NĐT cá nhân Hàn Quốc vào TTCK đã tăng nhanh kể từ tháng 3, với giá trị mua ròng tháng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Sự gia tăng hoạt động đầu tư của NĐT này cũng là xu hướng chung được quan sát thấy ở Mỹ và các thị trường Đông Á khác như Trung Quốc, sau khi Covid-19 bùng phát lãi suất về gần bằng 0, hệ thống ngân hàng và nền tảng giao dịch thuận tiện, góp phần vào sự bùng nổ của các hoạt động giao dịch cá nhân.
Những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, khi mọi người đang tìm cách đầu tư số tiền nhàn rỗi vào thị trường do không thể chi cho du lịch. 
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy NĐT cá nhân Thái Lan đã mua ròng trung bình 664 triệu USD/tháng trong nửa đầu 2020, so với mức bán ròng trung bình 55 triệu USD/tháng cùng kỳ 2019. Tương tự, NĐT cá nhân Malaysia đã mua ròng trung bình 302 triệu USD/tháng trong nửa đầu năm so với 52 triệu USD cùng kỳ 2019. 
Tại TTCK Việt Nam, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trung bình tháng trong nửa đầu năm cao gấp đôi so với năm 2019, tổng số tiền gửi của NĐT tại các CTCK cũng tăng gần gấp đôi lên 31.000 tỷ đồng (dựa trên dữ liệu của 40 CTCK lớn nhất).
Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch từ NĐT cá nhân trong nước trong tháng 8 chiếm đến 76,3%. Nguồn tiền này giúp làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của việc giảm dư nợ cho vay ký quỹ.
Một số ý kiến có thể cho rằng đây là câu chuyện cũ và không ảnh hưởng đến xu hướng sắp tới của TTCK, nhưng theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), hiện tượng này chứng tỏ dòng tiền trong nước vẫn chưa cạn kiệt. Số tiền có sẵn để giao dịch (tiền ký quỹ + tiền gửi của khách hàng) cao gấp 17 lần giá trị giao dịch trung bình ngày của tháng 8, cao gấp đôi so với tháng 3-2018 khi TTCK đạt đỉnh ở mức 1.204 điểm. Hiện tượng này cho thấy thị trường hiện vẫn chưa rơi vào trạng thái quá mua.

Bù đắp vốn ngoại 
Có thể nói, nguồn tiền từ NĐT nội (cá nhân và tổ chức) đã phần nào bù đắp cho dòng vốn khối ngoại rút khỏi thị trường trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh NĐTNN liên tục bán ròng, NĐT nội là nhân tố chính giúp thị trường đi lên.
Thậm chí, dòng vốn nội còn giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện trong tháng 8, với bình quân đạt 5.102 tỷ đồng/phiên (tăng 12%). Theo thống kê từ Fiinpro, giao dịch của NĐT tổ chức trong nước trở nên đột biến trong tháng 8, khi khối này mua ròng hơn 3.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm NĐT tự doanh của CTCK mua ròng gần 1.200 tỷ đồng. Chốt tuần qua, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng mạnh sang tuần thứ 5 liên tiếp, cũng là tuần mua ròng thứ 8 trong 10 tuần gần đây.
Có thể nhìn lại từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 2, NĐTNN vẫn bán ròng không chỉ ở Việt Nam, mà trên khắp châu Á, từ Hàn Quốc, Đài Loan đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Dù việc rút vốn đã chậm lại trong tháng 6 và 7, nhưng vẫn chưa có tín hiệu xác thực cho thấy sự trở lại của NĐTNN.
Tại TTCK Việt Nam, ngoài 14.700 tỷ đồng mua ròng trong tháng 6 nhờ dòng tiền 15.900 tỷ đồng đổ vào VHM (Vinhomes) thông qua giao dịch thỏa thuận, khối ngoại tiếp tục rút tiền khỏi TTCK. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 4.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó bán ròng thông qua giao dịch khớp lệnh lên đến 20.500 tỷ đồng. 

ETF lên ngôi 
 Tính tại ngày 4-9, tổng tài sản của 5 quỹ ETF ngoại lớn đã đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Điều này giúp các quỹ ETF ngoại nhanh chóng được huy động chứng chỉ quỹ trở lại trong tháng 8.
Chia nhỏ bức tranh tổng thể thành nhiều mảnh, có thể thấy một số lượng tiền bán ra của khối ngoại có thể đã quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì đầu tư trực tiếp, nhóm này đã đi đường vòng để vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF.
Đối với NĐTNN, đây là cách duy nhất để nắm giữ các mã CP đã kín room ngoại. Kể từ khi SSIAM VN FinLead ETF niêm yết vào tháng 3 và VFM VN Diamond ETF niêm yết vào tháng 5, khối ngoại đã mua ròng 2.451 tỷ đồng chứng chỉ quỹ của 2 quỹ này, tương đương 40% trên tổng giá trị bán ròng 5.755 tỷ đồng của CP và các quỹ ETF khác. 
Cũng theo KIS, về tổng quan, các quỹ ETF này được thiết kế để mô phỏng theo chỉ số VN Diamond và VN FinLead, với đặc điểm chính của 2 chỉ số này bao gồm các CP bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo đó, VN FinLead bao gồm rổ các CP tài chính lớn nhất và có thanh khoản cao nhất, trong đó 96% là CP ngân hàng.
Nhóm CP này hiện chiếm 27% tổng vốn hóa sàn HOSE, nhưng thường không còn nhiều room cho NĐTNN mới. Trong khi đó, VN Diamond có phạm vi rộng hơn, là rổ CP có vốn hóa lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất, lại còn room cho khối ngoại 
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), các quỹ ETF nội đang là điểm sáng trong việc thu hút vốn từ khối ngoại, khi FUEVFVND ETF và FUESSVFL tăng thêm lần lượt 71 triệu USD và 22 triệu USD (số liệu tính đến ngày 7-8).
Mặc dù dòng tiền vào 2 quỹ ETF này đã chậm lại nhưng các quỹ này vẫn có thể tiếp tục hút tiền, do đặc thù trong việc giải quyết một phần bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài.
Trong tháng 8, dù khối ngoại bán ròng khá mạnh nhóm VN30 với gần 1.600 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh, nhưng các mã CP VN Diamond chỉ bị bán khoảng 200 tỷ đồng, tương đương 6% tổng giá trị bán ròng khớp lệnh của HOSE. 
Theo CTCK MB (MBS), tín hiệu tích cực của thị trường trong tháng 8 một phần được kích hoạt từ dòng vốn ETF, khi các quỹ hút được vốn ròng trở lại như VanEck, Kim Index hay FTSE Vietnam.
Trong thời gian tới, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETF mới như SSIAM VN30 ETF hay VinaCapital VNX100 ETF. 

Các tin khác