Công nghiệp ô tô, xe máy

Thị trường ô tô: Quy mô nhỏ, khó cạnh tranh

(ĐTTCO) - Quy mô thị trường chưa đủ lớn, chi phí sản xuất cao, nhà cung cấp linh kiện phụ trợ trong nước chưa sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu… đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trong nước.

Đại diện nhóm công tác ô tô, xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2017 (VBF 2017) vừa gửi đến Thủ tướng, các bộ, ngành nhiều kiến nghị liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

Công nghiệp hỗ trợ èo uột
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, ông Toru Kinoshia, Trưởng nhóm công tác ô tô, xe máy của diễn đàn VBF 2017, kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo ông Toru Kinoshia, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 khá khiêm tốn, ước đạt khoảng 300.000 xe, trong đó khoảng 230.000 xe lắp ráp trong nước và khoảng 70.000 xe nhập khẩu. Trong 10 tháng năm nay, sản lượng xe máy giảm 9% so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường chỉ đạt 50% kỳ vọng.
 Việt Nam vẫn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển CNHT hợp lý. Dù Chính phủ đã ban hành một số nghị định, quyết định về CNHT nhưng không nhiều nhà cung cấp được hưởng lợi từ chính sách, do thủ tục áp dụng rất phức tạp.
Ông Nicolas Audier, 
Chủ tịch EuroCham
Do bất lợi về sản lượng, quy mô thị trường, nên các nhà sản xuất cung cấp linh, phụ kiện ô tô rất khó khăn để đầu tư sản xuất các linh kiện, phụ tùng hàm lượng công nghệ cao, bởi chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là việc đầu tư máy móc, khuôn, đồ gá.
Nếu đầu tư sẽ dẫn đến khấu hao trên một sản phẩm cao, khiến linh kiện sản xuất trong nước kém cạnh tranh so với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện không nhiều nhà sản xuất, cung ứng linh, phụ kiện cho ngành công nghiệp ô tô có thể tồn tại ở Việt Nam để cung ứng đầu vào cho các hãng lắp ráp ô tô trong nước như Toyota, Honda, Ford… Hơn nữa, các linh kiện sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay không phù hợp với nhu cầu của các hãng sản xuất ô tô trong nước, nên cũng không thể cung cấp cho thị trường nội địa.
Do không có sẵn nguyên liệu, linh kiện đầu vào trong nước, các nhà sản xuất phụ tùng lớn và nhà sản xuất, lắp ráp ô tô phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu, linh kiện đầu vào, đã phát sinh chi phí về logistics, đóng gói, thuế nhập khẩu. Điều này khiến chênh lệch giữa chi phí sản xuất trong nước và chi phí nhập khẩu xe từ Thái Lan, Indonesia ngày càng lớn, ước tính 20%. Thực tế này khiến khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước suy giảm, đặc biệt kể từ đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam còn 0%.
Thị trường ô tô: Quy mô nhỏ, khó cạnh tranh ảnh 1 Quy mô thị trường nhỏ khiến chi phí sản xuất lắp ráp ô tô trong nước cao. 
Năng lực nhà cung ứng hạn chế
Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển mạng lưới nhà cung ứng linh, phụ kiện trong nước cần rất nhiều nỗ lực, thời gian và khả năng đầu tư. Bởi các nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 trong ngành công nghiệp ô tô phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu sản xuất, như chất lượng/chi phí/ giao hàng (QCD); đối với nhà cung ứng cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trên thực tế tại Việt Nam, năng lực QCD trở thành thách thức với các nhà cung cấp linh, phụ kiện. Không nhiều nhà cung cấp đáp ứng được tiêu chuẩn QCD để tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu.
Đại diện cho nhóm công tác ô tô, xe máy diễn đàn VBF 2017 đã đề xuất 3 nhóm chính sách trụ cột để phát triển công nghiệp ô tô. Thứ nhất, cần có chính sách để duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường, gồm các giải pháp hạn chế tác động lên thị trường. Đây có thể coi là nhóm chính sách quan trọng và bền vững nhất thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển. Thứ hai, cần có cơ chế hỗ trợ giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu dựa trên nguyên tắc bảo đảm đối xử công bằng, minh bạch giữa các nhà sản xuất, phù hợp cam kết quốc tế. Cuối cùng, cần nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp như đào tạo nhà cung cấp, hỗ trợ đầu tư khuôn, đồ gá…
Bàn về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, xe máy, đại diện EuroCham kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12% với xe ô tô, xe máy, phụ tùng và linh kiện nhập khẩu. Theo lộ trình tăng thuế đề xuất của Bộ Tài chính, nếu được Quốc hội thông qua trong năm 2018, quy định này sẽ có hiệu lực vào năm 2019.
Đại diện EuroCham dẫn giải trong tình hình kinh tế hiện nay, thu nhập và mức sống của người dân, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, việc tăng thuế VAT có thể tác động tiêu cực và tạo gánh nặng cho nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp ô tô, xe máy nói riêng. Nên cần xem xét kỹ lưỡng đề xuất tăng thuế này đối với xe, phụ tùng, linh kiện, mặt khác phải có lộ trình dài hơn cho tăng thuế VAT, phù hợp với nền kinh tế và mức thu nhập của người dân.

Các tin khác