Ám ảnh rủi ro chính sách

(ĐTTCO) - Điều đáng sợ nhất với người kinh doanh tại Việt Nam có lẽ không chỉ là sự phiền hà của thủ tục hành chính, cơ chế xin cho nặng nề, mà là rủi ro không nghĩ đến từ chính sách. Bởi lẽ, một trong những yêu cầu của kinh doanh phải dự đoán trước được, tiên liệu được, nhưng chính sách thay đổi khó mà tiên liệu. 

Ám ảnh rủi ro chính sách
Nhũng nhiễu, phiền hà dù cực khổ, tốn kém nhưng còn dự đoán được, lên kế hoạch được, còn sự không nhất quán, mai thế này, mốt thế khác thì quá khó. Không đảm bảo được điều này không ai dám ra kinh doanh, nói gì kinh doanh lớn. 
Hôm trước tại hội thảo về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ công của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở Hà Nội, một chủ doanh nghiệp, người tiên phong đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ, cho biết điều ông lo ngại nhất khi đầu tư vào lĩnh vực này theo chính sách của Nhà nước là ám ảnh rủi ro.
Đó là việc họ bỏ ra một “núi tiền” nhưng chỉ cần một văn bản pháp luật, luật, nghị định, hoặc thậm chí chỉ thông tư cấp bộ là doanh nghiệp có thể mất việc, ra đường chỉ sau một đêm... Chính vì vậy, khó khăn nhất để doanh nghiệp bỏ vốn theo chủ trương xã hội hóa không phải do thiếu vốn, không có công nghệ hay không biết làm mà là rủi ro chính sách, khiến họ dè dặt, cầm chừng và đêm ngủ không ngon.
Chính sách không nhất quán muôn hình vạn trạng, xảy ra ở hầu hết địa phương trên cả nước. Cách đây mấy hôm, tôi nhận đơn kiến nghị tập thể của 21 doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh ở Đông Anh, Hà Nội. Họ vốn là nông dân nhường đất cho công nghiệp, theo chủ trương khuyến khích chuyển đổi nghề nghiệp, họ chủ động ra kinh doanh buôn bán ở khu nhà ở công nhân ở Kim Chung.
Ký hợp đồng thuê mặt bằng với Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội, họ mạnh dạn vay vốn, đầu tư kinh doanh dịch vụ cho công nhân, trầy trật tồn tại từ năm 2011 đến 2017. 
Khi việc làm ăn của họ bắt đầu khởi sắc chút đỉnh, bất ngờ Sở Tài chính có văn bản phê duyệt giá sàn và yêu cầu đấu giá mặt bằng họ đang kinh doanh. Sàn giá mới được áp đặt tăng đến 500% giá họ phải trả hiện nay, và tiền thuê yêu cầu trả một lần cho cả thời kỳ hợp đồng. Họ hiểu đây là đuổi họ đi, vì không thể có cách nào tồn tại được với điều kiện mới cao chót vót này.
Đơn thư kêu khắp nơi vì vốn đã trót vay ngân hàng, chưa thu hồi được đến 30%. Thật ngậm ngùi khi trong đơn kiến nghị của họ liệt kê đủ hết phát biểu của lãnh đạo, nội dung nghị quyết của Chính phủ, và kể cả kế hoạch phát triển doanh nghiệp của Hà Nội, với bao ngôn từ và cam kết tốt đẹp. 
Điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp trong cả nước của VCCI trong năm 2018, khi chúng tôi hỏi khó khăn nhất với doanh nghiệp là gì, có 2 xu hướng khác nhau. Với doanh nghiệp nhỏ, khó khăn nhất của họ là tiếp cận nguồn lực kinh doanh như vốn, đất đai, mặt bằng kinh doanh, thị trường khách hàng…
Nhưng với doanh nghiệp lớn, khó khăn lớn nhất là rủi ro về thay đổi chính sách cùng với thủ tục hành chính. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong cuộc điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi sự bất ổn chính sách là lo ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ đây là cản trở lớn nhất Nhà nước cần quan tâm giải quyết trong định hướng phát triển doanh nghiệp tư nhân thời gian tới. 

Các tin khác