Bằng mọi giá khơi thông nền kinh tế

(ĐTTCO) - Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, hàng loạt hội thảo, diễn đàn lại được tổ chức để nhìn lại năm cũ và dự báo về triển vọng kinh tế của năm sắp tới. Gần 2 tháng đã trôi qua kể từ khi các định chế tài chính, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý… đồng loạt đưa ra dự báo cho năm 2019, dù còn quá sớm để khẳng định tính chính xác của những dự báo, nhưng cũng đã có những nét phác thảo đầu tiên. Song đằng sau những sự kiện nổi bật vẫn còn nhiều vấn đề cần hóa giải để khơi thông.

Mừng cũng nhiều
Chia sẻ với báo giới ngay trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: “Năm 2019 là thời điểm vàng cho phát triển”. Trên nền tảng tăng trưởng tích cực của năm 2018, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong tháng đầu tiên của năm mới 2019, cũng cho thấy nền kinh tế quả thực đang tiếp tục khởi sắc.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,9%, được coi là mức tăng khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. 
 Bằng mọi cách nâng cao năng lực của nền kinh tế, của từng DN để tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại. Các Nghị quyết 01, 02/NQ-CP ngay ngày đầu năm mới 2019 và trước đó, Nghị quyết 139 về cắt giảm chi phí cho cộng đồng DN đã tiếp nối chuỗi các hoạt động cải cách của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN cắt giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh… 
Ông Nguyễn Xuân Phúc, 
Thủ tướng Chính phủ
Cũng trong tháng 1, cả nước thu hút được 805 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, còn có 72 lượt dự án tăng vốn, với vốn tăng thêm là 340,3 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,145 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đó là chưa kể gần 500 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018. 
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định chắc nịch: “Nếu ai đó còn băn khoăn về vai trò và ảnh hưởng của khối FDI, tôi xin khẳng định lại ngắn gọn thế này: sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. 
Một chỉ dấu quan trọng khác thể hiện sức khỏe của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% (đã loại trừ yếu tố giá). Đương nhiên, trong dịp nghỉ Tết, sức mua của người dân và nền kinh tế luôn tăng cao hơn bình thường, nhưng đây vẫn là mức tăng vượt xa con số 7,7% của cùng kỳ năm ngoái. 

Lo không ít
Song “điểm tối” dễ thấy nhất trong bức tranh toàn cảnh tháng 1 vừa qua là sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu. Số liệu vừa được cập nhật từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1-2019 đạt 20 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,9 tỷ USD, giảm tới 27,5% so với cùng kỳ năm trước.
 Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hiện nay vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà “ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế”, như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của DN… 
TS. Phan Đức Hiếu, 
Phó Viện trưởng CIEM
Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu vẫn duy trì khiến nhập siêu tháng 1 ước khoảng 800 triệu USD. Đây là điều đã được cảnh báo trước, khi Bộ Công Thương cho rằng năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở các ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài. Thêm vào đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch của một số đối tác lớn cũng có thể ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng lưu ý, DN tư nhân trong nước xem ra vẫn còn phải đối diện với nhiều gian khó. Số DN đăng ký thành lập mới giảm, trong khi đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lại tăng đến 25,3%; số DN hoàn thành thủ tục giải thể cũng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực này cũng đóng góp khá khiêm tốn vào GDP, gợi ý rằng công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với cải cách hành chính vẫn phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa. 
“Nhìn chung, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và CMCN 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài, song Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung trao đổi với ĐTTC khi được đề nghị bình luận ngắn gọn về vấn đề này. 
Bằng mọi giá khơi thông nền kinh tế ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018. 
Chưa tạo động lực cải cách cho DN tư nhân
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ chậm lại so với 2018, và nhiều tồn tại của nền kinh tế lâu nay vẫn chưa được khắc phục, năm 2019 lại là thời điểm Việt Nam phải tăng tốc để về đích, hoàn thành cho được những mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm, từ đó xây dựng nền tảng cơ sở cho 10 năm tới. 
Tuy nhiên, nói như TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, “đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa”. Lấy thí dụ về công cuộc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), ông Hiếu cho biết, theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018, tính đến hết tháng 11-2018 đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm ĐKKD được ban hành, sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi.
Nhưng kết quả rà soát tất cả văn bản ban hành mới năm 2018 của CIEM, cho thấy có tới 37 nghị định có chứa đựng ĐKKD, trong đó 25 nghị định có nội dung rà soát và bãi bỏ. Chỉ riêng việc cập nhật “rừng” văn bản ấy để biết những gì đã thay đổi trong khung khổ pháp luật mà điều chỉnh kế hoạch, phương án kinh doanh cũng là thách thức đối với nhiều DN. 
Bày tỏ băn khoăn về hiệu quả, hiệu lực của việc cắt giảm đi 50% ĐKKD, TS. Phan Đức Hiếu thẳng thắn cho rằng, nhiều khi số lượng bãi bỏ được chưa nói lên gì nhiều cả. Theo quy định của Luật Đầu tư, ĐKKD được ban hành là để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều này được hiểu là các quy định về ĐKKD nhằm hướng tới bảo đảm các trật tự công mà những hoạt động kinh doanh của DN trong một số ngành, nghề có thể tác động tới nếu không bị kiểm soát. Thế nhưng, rất nhiều Nghị định chỉ sửa sang lại câu chữ, các yêu cầu cho rõ ràng hơn. Như theo quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP5, một trong các điều kiện để được cấp phép là phải “có phương án kinh doanh” gồm có 4 nội dung bắt buộc. 
So với trước đây, nghị định mới đã đơn giản hóa ĐKKD và được tính là 1 ĐKKD được đơn giản hóa. Song thật khó hiểu là ĐKKD này bảo vệ mục tiêu nào, trong khi lại can thiệp quá mức vào quyền tự chủ của DN!
Có cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, VCCI) cũng nhận xét: “Giấy phép con có lẽ là vấn nạn đáng sợ nhất của nền kinh tế Việt Nam. Luật Đầu tư 2014 đã cố gắng khoanh lại còn 267 ngành nghề phải xin giấy phép con (năm 2016 cắt giảm còn 243 ngành nghề - PV) và nêu rõ là chỉ Quốc hội mới sửa được danh mục đó. Nhưng vấn đề ở chỗ, ngành nghề không phải là một khái niệm rạch ròi”.
Đơn cử, Luật Đầu tư chỉ có 1 dòng ghi "kinh doanh khí" là kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến khi làm nghị định nó được chẻ thành cả chục ngành nhỏ hơn như sản xuất khí, nhập khẩu khí, bán buôn khí, bán lẻ khí, sang chiết khí, vận chuyển khí, sản xuất bình gas, sửa chữa bình gas... Hoặc ngành nghề “Kinh doanh vàng” có thể hiểu là bao gồm cả vàng dùng để sản xuất linh kiện điện tử, vàng có trong rượu vảy vàng, dịch vụ thẩm định vàng…
Cách đây 15 năm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đóng góp khoảng 9% GDP, và đến nay khu vực này cũng vẫn chỉ chiếm gần 9% GDP, mặc dù cộng đồng DN đã đông đảo hơn rất nhiều - đạt khoảng 600.000 DN trên cả nước. Làm thế nào để DN tư nhân được tạo điều kiện phát triển vượt bậc để thực sự trở thành động lực cải cách, vẫn đang cần lời giải để khai thông nền kinh tế. 

Các tin khác