Biến không thể thành có thể

(ĐTTCO)-Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại - Vietjet Air. Từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng và hiện đang bay khắp thế giới. Bà được tôn vinh là người dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản để biến nhiều điều không thể thành có thể.
Biến không thể thành có thể
Hiện thực hóa giấc mơ bay
Cô bé Phương Thảo hồi nhỏ đã từng không ít lần ngước lên trời nhìn máy bay và lòng thầm ước một ngày mình được ngồi lên đó, được đến những nơi xa xôi mình chưa bao giờ được đặt chân tới. Và ước mơ này đã theo cô gái suốt nhiều năm sau đó.
Sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế, lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế, cô nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, đã dự định trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó cô mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ 2.
“Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8 giờ sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12 giờ đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2 giờ sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối.
Ngủ chưa tròn giấc, 5 giờ sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học. Nếu không dấn thân vào kinh doanh tôi không mất quãng thời gian từ chiều đến đêm và cả sáng sớm, chỉ tập trung vào học thôi. Có vẻ như trời cũng không phụ lòng người, năm 21 tuổi, tôi đã có 1 triệu USD trong tay là số tiền rất lớn thời đó khi 1 chỉ vàng có 200.000 đồng” - Thảo chia sẻ.
Trở về nước, Thảo tập trung hiện thực hóa giấc mơ bay của mình. Cô tâm sự: “Ban đầu, đề án của tôi là một hãng hàng không 5 sao. Nhưng rồi trong một dịp gần Tết, thời điểm chuẩn bị cất cánh, chúng tôi đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có bà mẹ hỏi: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay.
Câu nói đó khiến chúng tôi giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án. Vậy là chúng tôi quay sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ”.
Mất 10 năm nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình hàng không chi phí thấp, cô thành lập hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Vietjet ra đời là tâm huyết của những cổ đông sáng lập người Việt, tạo ra hãng hàng không phục vụ người dân và đưa ngành hàng không cũng như hình ảnh kinh tế tư nhân Việt Nam sang một trang mới.
Tuy nhiên, ra đời trong sự hoài nghi bởi ở Việt Nam, không ai nghĩ doanh nghiệp tư nhân có thể sải cánh trên bầu trời. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24-12-2011, từ TPHCM đi Hà Nội, đánh dấu một sự kiện chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam.
“Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu. Chúng tôi đã có quyết định rất khác thường là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình.
Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ em đến cụ già, dù đi công tác, thăm thân hay du lịch, hàng không đều là sự lựa chọn đầu tiên phù hợp nhất với túi tiền và nhu cầu đi lại của đại bộ phận người Việt” - bà Thảo cho biết.

Trách nhiệm xã hội và lòng nhân ái
Trong kinh doanh, muốn có tiền cũng phải biết cho đi. Đó là quan điểm của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà từng nói kinh doanh giúp bà lớn mạnh hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn. Bà chia sẻ thành quả của mình với xã hội, đặc biệt là những người yếu thế, thiệt thòi...
Bà đã dành một phần đáng kể thu nhập của mình cho các chương trình xã hội, thiện nguyện và các chương trình mang tính chất tạo bệ phóng cho nhan sắc, trí tuệ Việt tỏa sáng, vươn xa, như giải cờ vua quốc tế của HD Bank; bóng đá futsal; các cuộc thi hoa hậu…
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Vietjet và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp thực hiện thu hút hơn 6 triệu đoàn viên thanh niên ủng hộ, cổ vũ, truyền cảm hứng cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của từng mảnh đất, con người, của đồng bào và hun đúc tình yêu quê hương đất nước…
Bên cạnh đó, bà đặc biệt quan tâm tới trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp, trước hết phải có hiệu quả để nhân viên có thu nhập tốt, đối tác và khách hàng hài lòng. Sau đó là trách nhiệm tạo ra giá trị, hiệu quả.
Với bà, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện nằm sâu xa đâu đó trong tâm hồn và trái tim lương thiện. Trách nhiệm xã hội của Vietjet còn thể hiện ở chỗ Vietjet chỉ sử dụng đội tàu bay mới với tỷ lệ nhiên liệu, khí thải, tiếng ồn giảm nhiều nhằm cùng các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới chống biến đổi khí hậu.
Tương tự, HD Bank cũng đang chuyển mạnh sang ngân hàng xanh, cốt lõi là nắm bắt, sử dụng tiến bộ công nghệ mới mang đến những trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho hàng triệu khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn.
“Tôi nghĩ trước tiên cần tập trung làm tốt công việc và sứ mệnh của mình. Mình làm tốt sẽ hữu xạ tự nhiên hương, lan tỏa  doanh nghiệp của mình ra ngoài cộng đồng. Niềm tin, sự phấn khích là động lực cho lớp người khởi nghiệp trong một quốc gia khởi nghiệp. Tôi luôn động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ. Là doanh nhân, tôi thích tinh thần tự tôn dân tộc thời Minh Trị thần kỳ của Nhật Bản. Tôi cũng thích tinh thần của các doanh nhân chaebol Hàn Quốc.
Khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó là sẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt” - bà nhấn mạnh.
Nữ tỷ phú không là chỉ người có “tấm lòng vàng”, tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện mà còn là người truyền cảm hứng về lòng nhân ái đến với đội ngũ nhân viên, xem đó là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng trăm phi công, tiếp viên, nhân viên Vietjet đã tham gia chiến dịch giải tỏa hành khách bằng nhiều chuyến bay miễn phí, nhiều chuyến bay không tải một chiều, đưa người dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về lại quê hương. Tất cả phi hành đoàn, hàng ngàn nhân viên và hành khách của Vietjet đều an toàn tuyệt đối, không có ai nhiễm bệnh.

Các tin khác