Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro xuất khẩu hồ tiêu sang Myanmar

(ĐTTCO)- Bộ Công Thương cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Myanmar.
Thương vụ Việt Nam tại Myanmar (Bộ Công Thương) cho biết Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar đã bị Hải quan Myanmar đưa vào danh sách theo dõi.
Thương vụ Việt Nam tại Myanmar (Bộ Công Thương) cho biết Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar đã bị Hải quan Myanmar đưa vào danh sách theo dõi.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar (Ngwe Galon Min Co., Ltd; địa chỉ: 446/447, Konzedan Street, Thein Gyi Zay (A) Yone, Pabedan Tsp, Yangon) đã bị Hải quan Myanmar đưa vào danh sách theo dõi và khuyến cáo các lô hàng hồ tiêu do doanh nghiệp nêu trên nhập khẩu nhưng không làm thủ tục nhận hàng sẽ không được tạo điều kiện cho tái xuất về Việt Nam và sẽ tiến hành đấu giá, sung công quỹ (nếu không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày kể từ khi cập cảng).

Trước đó, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trắng và tiêu đen sang Myanmar trong thời gian từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019 thường xuyên bị doanh nghiệp nhận hàng là Ngwe Galon Min Co., Ltd., (nhà nhập khẩu) từ chối làm thủ tục nhận hàng với lý do: gặp khó khăn về tài chính, chất lượng hạt tiêu không đảm bảo… Doanh nghiệp này chỉ thanh toán tiền đặt cọc (10-30% giá trị lô hàng), trì hoãn thanh toán và thậm chí từ chối nhận hàng khi hàng đã đến cảng Yangon, Myanmar.

Theo nhận định của Thương vụ tại Myanmar, lý do doanh nghiệp Myanmar không nhận hàng chủ yếu do giá tiêu xuống thấp vào thời điểm giao hàng so với dự kiến ban đầu. Một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã phải làm thủ tục tái xuất về nước để tránh thiệt hại.

Theo Luật Myanmar, nếu hàng hóa nhập khẩu cập cảng mà không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày thì lô hàng đó sẽ được đưa ra đấu giá, sung công quỹ.

Về thị trường hạt tiêu tại Việt Nam, năm năm trước, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng hai năm gần đây, vị thế này đang có nguy cơ bị nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia làm lung lay. Brazil, đối thủ cạnh tranh lớn nhất ngành tiêu trong nước, có chất lượng hạt tiêu tốt hơn hẳn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và vừa ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có hạt tiêu vốn đang điêu đứng về giá và chất lượng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đối với mặt hàng hồ tiêu, CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. 

Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có thể nói là "một mình một chợ" trong các nước CPTPP.

Các tin khác