Cách nào thích nghi với Covid-19?

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp và nền kinh tế cần tìm ra cách sống chung với Covid-19.
Sự khó lường của virus khiến cả thế giới đều chưa thể vạch ra một lộ trình nào rõ ràng đưa cuộc sống bình thường trở lại. Ảnh: Qúy Hòa.
Sự khó lường của virus khiến cả thế giới đều chưa thể vạch ra một lộ trình nào rõ ràng đưa cuộc sống bình thường trở lại. Ảnh: Qúy Hòa.

Biến đại dịch thành thứ ít đe doạ hơn

Diễn biến dịch Covid-19 với biến chủng Delta tiếp tục trở nên phức tạp hơn, bùng phát ngay cả những nước có độ tiêm chủng cao. Dù số ca nhiễm tại Pháp, châu Âu và Mỹ... liên tục tăng nhưng nhiều quốc gia tìm cách “sống chung” với dịch. Lý do là dù dịch bệnh mặc dù có nguy cơ bùng phát theo từng đợt nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhờ tốc độ tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh giúp ngăn chặn tốc độ lây lan, phát sinh biến thể virus mới và đặc biệt là sự ra đời của các loại thuốc chữa Covid-19, giảm thiểu các ca tử vong.

Chẳng hạn, Anh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine hơn nữa và tiến tới gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch từ ngày 19-7. Hay trước đó, các bộ trưởng của Lực lượng Đặc nhiệm chống Covid-19 của Singapore, gồm Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung, đã đăng bài dài trên tờ Straits Times với tiêu đề “Sống bình thường, với Covid-19.

Bài báo có đoạn: “Chúng tôi có thể hướng tới một kết quả tương tự cho Covid-19. Chúng ta không thể loại bỏ nó, nhưng chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều, như cúm, tay chân miệng hoặc thủy đậu và tiếp tục cuộc sống của chúng ta”.

Việt Nam cũng đang đứng trước “ngã ba” tương tự khi dịch lan rộng ở nhiều địa phương và buộc phải giãn cách trong thời gian dài. Đường lối chống dịch của Việt Nam là phù hợp, kết hợp giãn cách xã hội với tiêm vaccine diện rộng. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là hạn chế về số lượng và chưa chủ động được vaccine.

Cách nào thích nghi với Covid-19? ảnh 1 Việt Nam cũng đang đứng trước “ngã ba” tương tự khi dịch lan rộng ở nhiều địa phương và buộc phải giãn cách trong thời gian dài. Ảnh: Qúy Hòa.
Cho đến khi khắc phục được điểm yếu này, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều mục tiêu cùng lúc: hạn chế tối thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân và đảm bảo hoạt động kinh tế thiết yếu để chiến đấu lâu dài với virus. 

Các điều kiện cần

Sự khó lường của virus khiến cả thế giới đều chưa thể vạch ra một lộ trình nào rõ ràng đưa cuộc sống bình thường trở lại. Nói cách khác, thế giới mà chúng ta đang sống khác hoàn toàn với thế giới trước tháng 12-2019. Phương án “thích nghi” với virus có lẽ là một lựa chọn thích hợp có tính thời điểm và phải đủ các điều kiện cần thiết.

Giáo sư - Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Đại học Paris Paris Descartes, cho rằng để chung sống an toàn với đại dịch, Việt Nam cần có phương án chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh dựa trên 4 yếu tố: tỉ lệ ca nhiễm, tỉ lệ ca bệnh nặng, tỉ lệ tiêm vaccine và khả năng đáp ứng của ngành y tế.

Trong khi đó, Giáo sư Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm Kinh tế Sorbonne thuộc Đại học Paris 1, cho rằng để sống chung với dịch, Việt Nam phải thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng nhanh hơn nữa, bởi nếu không có rào chắn này chi phí chi trả y tế là rất lớn. 

Với hơn 161.000 ca nhiễm lây lan rộng ở nhiều tỉnh thành, từ việc duy trì mục tiêu kép, vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng sang ưu tiên chống dịch bệnh để đặt mục tiêu cao nhất là sức khỏe và tính mạng của người dân. Có thể thấy, với nhiều khó khăn hiện tại, không có giải pháp tốt nhất mà chỉ có giải pháp ít xấu hơn cho nền kinh tế.
Cách nào thích nghi với Covid-19? ảnh 2
Lúc này, giai đoạn ngắn hạn cần ưu tiên vào những lĩnh vực, ngành hàng sản xuất hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm... tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó là việc duy trì lực lượng lao động trong các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhằm bắt nhịp với đà phục hồi của các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các doanh nghiệp đã trải qua hơn 2 tuần thực hiện phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều khó khăn với các vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và chi phí duy trì “3 tại chỗ” hiện nay quá cao. 

Ông Đoàn Võ Duy Khang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho rằng không thể áp dụng “3 tại chỗ” trong bối cảnh công tác kiểm soát dịch kéo dài quá lâu. Vì vậy, cần mở rộng các biện pháp phòng chống dịch bằng cơ chế ưu tiên vaccine, phủ rộng phương pháp test nhanh sàng lọc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lao động thay vì cách ly cơ học như hiện nay. 

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng lại bộ tiêu chí “3 tại chỗ” phù hợp với đặc thù từng ngành nghề, nếu phải áp dụng trong thời gian dài.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có sáng kiến, ngoài ưu tiên tiêm vaccine, về lâu dài, VASEP cho rằng ngành thủy sản sẽ phải sống chung lâu dài với đại dịch, kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ” phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đảm bảo mỗi công nhân được tổ chức xét nghiệm 3 lần/tháng. 
Cách nào thích nghi với Covid-19? ảnh 3
Để đưa ra giải pháp cho những vấn đề này đã có Hội thảo trực tuyến về Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19 – Vấn đề và giải pháp. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức.

Tại đây, đại diện của Eurocham, cho rằng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế rất cao do các chính sách giãn cách nghiêm ngặt. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn rõ ràng từ Chính phủ, tránh tình trạng mỗi tỉnh áp dụng khác nhau. Đặc biệt, không nên sa đà vào định nghĩa thiết yếu hay không thiết yếu. Chỉ nên tập trung vào việc phân phối đến người dùng cuối vì mọi mặt hàng đều kết nối với nhau.

Bà Đỗ Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, kiến nghị, cần cho phòng khám y tế tư nhân tham gia tiêm vaccine và các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí. Hiện nay, không nên áp dụng biện pháp cứng nhắc như “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp vừa phải vừa sản xuất vừa phòng dịch, mà nên để doanh nghiệp chủ động đưa ra những biện pháp kinh doanh an toàn nhất. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương để kết hợp quản lý. 

Đối với vấn đề lưu thông hàng hóa và nguyên vật liệu nên không kiểm soát. Bởi vì kiểm soát con người chứ không kiểm soát hàng hóa nên hàng hóa phải được lưu thông tối đa. Cần tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải.

Có thể thấy, những khó khăn này mang tính sống còn với các doanh nghiệp và nền kinh tế nên cần có giải pháp kịp thời. Có như vậy, sau mỗi làn sóng của dịch bệnh có thể diễn ra trong tương lai, thiệt hại về kinh tế ngày càng giảm thiểu.

Các tin khác