Cải cách thuế, thiếu công bằng

(ĐTTCO) - "Báo cáo công bằng thuế Việt Nam" do Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, vừa công bố cuối tháng 5-2018, một số quan điểm của các chuyên gia cảnh tỉnh phương pháp thu thuế nhắm vào tiêu dùng đang bộc lộ nhiều bất cập. 
Hệ lụy trước mắt là người thu nhập thấp phải chịu thuế suất trên thu nhập ở mức cao hơn so với người thu nhập cao.
Người thu nhập thấp chịu đựng mà không biết
Vì sao người thu nhập thấp lại chịu thuế suất thu nhập ở mức cao hơn so với người thu nhập cao? Vì trong quá trình điều chỉnh nguồn thu ngân sách, loại thuế trực thu đang giảm rất nhanh, còn  loại thuế gián thu đã tăng rất nhanh. Trong tổng thu thuế, thuế trực thu chỉ chiếm 35% còn thuế gián thu chiếm 65%.
Thuế gián thu mang tính lũy thoái, còn thuế trực thu mang tính lũy tiến. Do đó, với sự thay đổi này, người có thu nhập thấp phải nộp thuế suất trên thu nhập ở mức cao hơn người có thu nhập cao. 
Người nộp thuế chưa được hưởng lợi chính đáng từ thuế là thực tế cần lo ngại nhất. Nộp thuế giao thông mà đường sá vẫn xuống cấp. Nộp thuế môi trường mà kênh rạch vẫn ô nhiễm. Nộp thuế chống biến đổi khí hậu mà mùa mưa vẫn ngập nước. Trăm loại thuế cũng không khiến người dân lương thiện nỡ lòng chối từ, nhưng nếu trăm loại thuế đều phát huy tác dụng tích cực cho đời sống dân sinh. 
Để hiểu rõ hơn vấn đề nhiêu khê và sốt ruột như thuế, cần thiết phải phân biệt thuế gián thu và thuế trực thu. Thuế gián thu dễ thu hơn thuế trực thu, vì không xảy ra quan hệ trực tiếp giữa người nộp thuế và người thu thuế.
Mặt khác, thuế gián thu cũng dễ… thay đổi (dĩ nhiên theo hướng tăng lên) vì người chịu thuế không cảm nhận được đầy đủ gánh nặng đang trút xuống, và cũng không thể phản ứng một cách quyết liệt. Thuế gián thu là thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thậm chí còn có thuế bình ổn thị trường và thuế bảo vệ môi trường. 
Vì vậy, hãy bình tĩnh nhé, đừng hoang mang khi một hôm trời quang mây tạnh bỗng dung nhẩm tính ra, mỗi cái bánh ngọt mà bạn vừa đưa vào miệng cho yên cơn đói quay quắt, hoặc mỗi lít xăng mà bạn vừa đổ vào xe máy để đi làm, đều phải cộng dồn hàng chục loại thuế khác nhau. Và bạn cũng đừng xem thường con gà rán mà bạn vừa mua ở cửa tiệm nhé, nó có khả năng cõng đủ thứ loại thuế đấy.
Do vậy, khi thuế gián thu được xác định trở thành mục tiêu chính của nguồn thu ngân sách, người thu nhập thấp có tư cách khá oai so với người thu nhập cao, vì mọi chi phí tiêu dùng thường xuyên và thiết yếu đều phải nộp thuế.

Người thu nhập cao có cách né
Ngược lại, người thu nhập cao các khoản thuế quan trọng nhất đều nộp theo tiêu chuẩn thuế trực thu. Các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, thuế thừa kế, thuế thu nhập DN… đều là thuế trực thu. Do đánh trực tiếp vào khoản thu nhập và lợi ích thu được của tổ chức hoặc cá nhân chịu thuế, nên những phản ứng cũng xảy ra tức thời.
Vì thu nhập càng cao thì thuế phải nộp càng nhiều, nên người ta sẽ có cách thương lượng hoặc né tránh khôn khéo. Một căn nhà mặt tiền ở TPHCM có giá cả ngàn cây vàng, nhưng hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi vài trăm triệu đồng. Người bán có lợi, và chia sẻ chút ít món lợi cho người mua. 
Cải cách thuế, thiếu công bằng ảnh 1 Người thu nhập thấp khi tiêu dùng phải bị áp nhiều mức thuế cao mà không hề biết. 
Còn cơ quan thuế thì sao? Đừng nghĩ cán bộ thuế hồ đồ nhé. Họ được đào tạo bài bản, nắm thị trường thấu đáo và hiểu chiêu trò trốn thuế một cách rành mạch. Thế nhưng, hãy nhìn cán bộ nộp thuế đi, khuôn mặt tươi rói ấy, ánh mắt lấp lánh ấy, môi cười rạng rỡ ấy… vẫn vô tư chấp nhận cái hợp đồng chuyển nhượng kia.
Thử hỏi, nếu người bán căn biệt thự kia không có động tác gì quyến rũ thì cán bộ thuế có vui vẻ dường ấy không? Cứ làm thêm những phép toán tương tự, sẽ biết được ngân sách đã mất bao nhiêu khoản thuế trực thu từ những người có thu nhập cao. 
Thuế gián thu vẫn tăng, mà thuế trực thu lại giảm là một điều cực kỳ vô lý. Chỉ tính riêng ngành địa ốc, bao nhiêu đại gia đã xuất hiện trong vài chục năm qua, họ đã nộp bao nhiêu thuế. Nếu dựa vào số lượng người siêu giàu đang nối dài danh sách một cách ngoạn mục, chỉ cần thu đúng và thu đủ các khoản thu nhập của họ đã có được một nguồn tài chính khổng lồ. Đáng tiếc thay, thuế trực thu quá… phức tạp, nên ngân sách đành dựa vào thuế gián thu. Và thuế gián thu chia đều cho mỗi người dân, dù giàu dù nghèo vẫn phải bỏ tiền cho các sản phẩm tiêu dùng. 
Hãy nhìn vào thực tế để đánh thuế
Nộp thuế để góp phần xây dựng đất nước. Cái khẩu hiệu ấy ai cũng thuộc. Nộp thuế thì vinh dự chứ, nhưng vấn đề là tính công bằng và tính minh bạch của nguồn thu thuế phải được công khai và hợp lý.
PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng: “Có một thực tế là mỗi khi ban hành hay tăng một loại thuế nào đó, phía Bộ Tài chính thường đưa ra lý lẽ là đảm bảo theo thông lệ quốc tế.  Thế nhưng, các khoản chi tiêu ngân sách, chi tiêu tiền thuế của dân lại không theo thông lệ như các nước. Tại nhiều quốc gia, nhất là quốc gia phát triển, ngân sách địa phương chi tiết đến mức độ là bao nhiêu tiền cho cắt tỉa vườn hoa, bao nhiêu tiền chi cho thu gom rác... Khoản chi tiêu công được chính phủ giải thích một cách rõ ràng.
Do đó, phần lớn người dân các nước đều ý thức được rằng tăng thuế là để phục vụ chính người dân. Bởi họ được hưởng lợi từ tiền thuế đã đóng góp.  Còn tại Việt Nam, người dân chưa cảm nhận được việc đóng thuế sẽ được hưởng lợi như thế nào, bởi ngay cả học trường công nhưng vẫn phải đóng tiền xây dựng trường. Hơn nữa, khi người dân phản ứng về việc tăng thuế cũng nhận được rất ít lời giải thích từ cơ quan chức năng”. 
Để người thu nhập thấp không rơi vào tâm trạng ê chề, Nhà nước cần có những hành động quyết liệt để chống thất thu thuế. Thay vì nghĩ ra các loại phí mới để “thu giá” loạn xạ, Nhà nước hãy chấn chỉnh thuế trực thu. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều là những đại gia, nhưng họ nộp thuế ra sao?
Không lẽ ngành thuế với bao nhiêu bộ óc tinh tường và nhạy bén hoàn toàn bất lực, khi các DN FDI liên tục báo cáo thua lỗ một cách bất thường? Chiêu thức chuyển giá để tối đa hóa lợi nhuận và trốn thuế không phải không thể phát hiện, vấn đề là xử lý thế nào. DN trong nước chiếm thị phần nhỏ mà nộp thuế nhiều hơn DN FDI thì đúng là chuyện hài hước “cười ra nước mắt”.  
 Chặn tiền “ném qua cửa sổ”
Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì chỉ nghĩ được đến chuyện tăng thuế tiêu dùng, Bộ Tài chính vẫn còn có nhiều giải pháp khác để thực hiện hòng có thêm ngân sách cho Chính phủ. Chỉ cần thắt chặt chi tiêu công, kiểm soát chặt chẽ và có nhiều biện pháp mạnh chống lãng phí, xử lý dứt điểm các khoản lỗ bị tồn đọng lâu nay, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ở các DN, tinh giản biên chế thực chất... Trên thực tế, khi các khoản thuế cứ nhắm vào người thu nhập thấp, tiền tỷ vẫn được cơ quan công quyền chi tiêu vô tội vạ. Mới đây, qua kiểm toán các dự án, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện việc chi tiêu thường xuyên của 39 tỉnh thành còn tùy tiện, sai mục đích tới 670 tỷ đồng. Cá biệt có 2 địa phương dùng ngân sách để chi cho bóng đá hàng tỷ đồng.

Các tin khác