Cần bộ tiêu chí phân loại hỗ trợ

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông HOÀNG MẠNH TÂN (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho rằng các gói hỗ trợ tài chính cũng như các chính sách giải cứu doanh nghiệp (DN) Chính phủ đang thực hiện là cần thiết, song để việc giải cứu thực sự có tác dụng, cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, công bằng và minh bạch.
Cần bộ tiêu chí phân loại hỗ trợ ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Dưới góc độ DN, ông đánh giá thế nào về các gói tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ DN Chính phủ đang thực hiện?
Ông HOÀNG MẠNH TÂN: - Đại dịch Covid-19 là sự cố mang tính chất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ, xảy ra trên toàn cầu và tác động tiêu cực đến hầu hết nền kinh tế. Không riêng Việt Nam gần như các nước, dù ít dù nhiều, Chính phủ đều tung các gói hỗ trợ DN và cứu nguy nền kinh tế, kích thích sản xuất.
Hàng loạt gói cứu trợ với tổng giá trị 598.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP, như giảm lãi suất, giảm thuế, giãn đóng bảo hiểm xã hội và các loại phí... đã và đang được Chính phủ xem xét, thông qua.
Nhưng vấn đề thời gian thực hiện đến đâu, lộ trình thực hiện như thế nào có lẽ là điều cần phải bàn đến. Bởi thực tế, các gói cứu trợ DN mà không kịp thời DN sẽ chết. Và khi DN đã phá sản hay dừng hoạt động, các gói cứu trợ sẽ không còn tác dụng.
- Từ thực tế hoạt động DN, theo ông khó khăn lớn nhất DN đang gặp phải là gì?
- Khó khăn lớn nhất DN đang gặp phải, theo tôi không chỉ đơn thuần là thiếu vốn, mà quan trọng nhất là mất thị trường. Từ mất thị trường khiến cầu bị giảm sút nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng đến cung.
Đối với nhiều DN xuất khẩu, các thị trường lớn lâu nay như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU đều đang tạm thời đóng băng do dịch Covid-19, nên hàng hóa sản xuất ra cũng không thể xuất đi được.
Trong khi đó, thị trường nội địa cũng tạm thời đóng băng ngay từ cuối tháng 3, sau khi có chỉ thị về tạm giãn cách xã hội của Chính phủ để phòng lây lan dịch bệnh. Điều này kéo theo doanh thu của DN sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu không có hoặc không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... 
Đã có thông tin cho thấy có tới gần 30% DN mất 20-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Đơn cử, DN của chúng tôi, suốt trong tháng 4 gần như không buôn bán được gì. Sản xuất ở nhà máy vẫn hoạt động đều, sản phẩm vẫn làm ra nhưng không xuất khẩu được, trong khi đó hệ thống đại lý ở thị trường trong nước cũng tê liệt.
Từ khó khăn về thị trường, kéo theo khó khăn về tài chính, nguồn vốn đầu tư. Ở đây có thể nói là khó khăn kép. Một bên không có vốn để tái đầu tư do mất thị trường, sản xuất ngưng trệ, một bên bị sức ép từ ngân hàng khi luôn thúc giục phải trả lãi khi đến kỳ hạn, rồi tiền thuê mặt bằng, chi trả lương cho người lao động…
Tóm lại, DN đã và đang bị dồn vào chân tường. Do đó, nếu không giải cứu kịp thời nhiều DN sẽ phá sản.
Cần bộ tiêu chí phân loại hỗ trợ ảnh 2 Khó khăn của doanh nghiệp hậu Covid-19 không chỉ thiếu vốn mà là mất thị trường nên cung và cầu đều sụt giảm.
- Gần đây có nhiều cảnh báo các gói hỗ trợ DN nếu không đến đúng địa chỉ sẽ không có ý nghĩa, thậm chí phản tác dụng, quan điểm của ông như thế nào? 
- Tôi hoàn toàn đồng ý về điều này. Thực tế thời gian qua cho thấy rất nhiều DN, công ty kêu khó, cần được hỗ trợ. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là khó khăn đó có phải do bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch Covid-19, hay khó khăn từ nhiều năm trước, kinh doanh thua lỗ triền miên, nhân dịp này cũng muốn “té nước theo mưa”?
Do đó, nếu như không xem xét kỹ càng, đánh giá đầy đủ, những gói hỗ trợ này sẽ không đến đúng địa chỉ. Có nghĩa những DN thực sự khó khăn, làm ăn nghiêm chỉnh sẽ bị thiệt thòi. 
Khách quan mà nói, tôi cho rằng các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ, cũng như những chính sách hỗ trợ đi kèm về thuế, về giảm lãi suất từ ngân hàng hiện nay vẫn còn khá chậm.
Hiện đã hết quý I song các DN như chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được những gói này, cũng chưa được hưởng ưu đãi về chính sách thuế hay lãi suất. Khi bình thường, DN làm ăn có lợi nhuận, mới có thể trả lãi cho ngân hàng, còn khi khó khăn, ngân hàng cũng nên giảm lãi suất và ân hạn về vốn vay, còn nếu chậm trễ tôi cho rằng DN sẽ khó có thể tồn tại nếu như năng lực tài chính mỏng.
- Để những gói hỗ trợ DN của Chính phủ thực sự có hiệu quả, giúp DN đứng vững trong và sau dịch, theo ông cần những giải pháp gì?
 Phải có bộ tiêu chí đánh giá mới có thể biết được DN nào thực sự cần giải cứu, DN nào không cần. Nếu không DN nào cũng kêu cứu, gói hỗ trợ và các chính sách đi kèm sẽ bị loãng.
- Cái đang thiếu hiện nay là bộ tiêu chí cụ thể để phân loại, đánh giá DN. Phải có bộ tiêu chí đánh giá mới có thể biết được DN nào thực sự cần giải cứu, DN nào không cần. Ngoài ra, cũng cần có tiêu chí đánh giá về các nhóm DN với nhau. Phải công bằng và minh bạch giữa các DN với nhau, tránh những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Tôi lấy thí dụ, đối với DN sản xuất hay DN xuất khẩu, đặc biệt là những nhóm ngành chủ lực, họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, rõ ràng Chính phủ phải giải cứu họ một cách nhanh chóng nhất có thể. Bởi chính họ là động lực để phục hồi lại sản xuất và tăng trưởng. 
Như các DN bất động sản hiện nay cũng kêu cứu được hỗ trợ. Tôi cho rằng nếu Chính phủ cũng chia sẻ gói hỗ trợ lần này cho DN bất động sản là thiếu hợp lý, thậm chí nguy hiểm đến nền kinh tế nói chung.
Bởi nhiều DN bất động sản lâm vào khủng hoảng, bị nợ xấu, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động từ những năm 2018-2019, bây giờ nếu bơm tiền vào bất động sản lại gây ra sốt đất, trong khi sản xuất ngưng trệ, lúc đó lạm phát sẽ xảy ra và rất khó kiểm soát.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác