Cạnh tranh hàng không, chưa phải “nóng”

(ĐTTCO) - Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của các hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar và Bamboo Airways. Sự phát triển đã đặt ra những vấn đề liên quan từ việc gỡ điểm nghẽn hạ tầng, vai trò của đầu tư tư nhân trong hàng không, đến hoàn thiện cơ chế, chính sách…

Dư địa còn nhiều
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, từ 4 hãng hàng không Việt Nam và 46 hãng hàng không nước ngoài ở thời điểm năm 2008, cho đến nay thị trường hàng không nước ta đã có 4 hãng hàng không trong nước và 71 hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác.
Năm 2008, đội máy bay cánh bằng của các hãng hàng không Việt Nam chỉ có 60 chiếc với độ tuổi trung bình 8,8 tuổi, trong đó 29 máy bay sở hữu. Đến nay cả nước có 192 máy bay với độ tuổi trung bình 5,8 tuổi, trong đó có 57 máy bay sở hữu. 
 Dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới, và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm, với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế, so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008, giúp kết nối Việt Nam với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2019, dự báo số lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách. Về vận tải, năm 2018, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển trên 50 triệu hành khách, tăng 14% so với năm 2017; và hơn 400.000 tấn hàng hóa, tăng 26%. 
Dù đạt mức tăng trưởng khá cao trong thời gian qua, ngành hàng không nước ta vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Dự báo của các tổ chức hàng không lớn trên thế giới, giai đoạn 2017-2036, vận tải hành khách và hàng hóa hàng không sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 4,7%/năm và 4,2%/năm, động lực chính đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
Cạnh tranh hàng không, chưa phải “nóng” ảnh 1 Bamboo Airways một hãng hàng không mới ra đời
nhưng biết lựa chọn thị trường ngách làm hướng đi riêng. 
Ông Phạm Vũ Tùng, Giám đốc dự án CTCP Vietjet Air, cho hay hàng không Việt Nam 5 năm qua đã tăng trưởng khoảng 29%. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, dù là thị trường hàng không phát triển rất tốt, cũng chỉ tăng khoảng 10-15%; Thái Lan đạt 11,1% và Hàn Quốc ở mức 10,4%.
“Chúng ta đạt gần 30% là con số cực kỳ ấn tượng vào thời điểm này. Đây là cơ hội để ngành hàng không phát triển, đồng thời cũng là dịp để Việt Nam nhìn nhận sự cạnh tranh là nóng hay không” - ông Tùng cho biết. 
Dù được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực, tiềm năng trước mắt vô cùng lớn, nhưng đến nay Việt Nam chỉ có 4 hãng hàng không trong nước, con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tổng số hãng hàng không cả trong và ngoài nước đang khai thác ở Việt Nam ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar, và ít hơn gần 10 lần so với Indonesia. Câu hỏi đặt ra là với sự góp mặt của Bamboo Airway và rất có thể là các tân binh khác trong những năm tới, thị trường hàng không Việt Nam sẽ có những biến động gì?

Mở rộng hạ tầng, kết nối số
Hàng không Việt Nam có những chỉ số tăng trưởng “đẹp” nhờ một số lý do. Thứ nhất, do nhu cầu đi lại của tầng lớp trung lưu trẻ, của những người lớn tuổi có tiền, xã hội Việt Nam ngày càng già hóa thì tầng lớp này càng đông hơn.
Thứ hai, do sự dịch chuyển của người lao động. Năm 2017, có 144.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài, chưa nói tới lượng khách du lịch, phần lớn từ Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ sang Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này đã kéo ngành hàng không tăng trưởng mạnh.
 Chúng ta không nên đưa vấn đề quá tải, phát triển “nóng” một cách thiếu căn cứ và tạo ra tâm lý e ngại, mà cần phân tích khâu nào là “nút thắt cổ chai” rồi xử lý khâu đó. Hiện nay ở Tân Sơn Nhất, một người đi có 3-4 người tiễn, một người đến có 4-5 người xếp hàng đón. Vậy việc đưa tiễn nên bớt rườm rà, tránh quá đông người ở sân bay. Đây là những việc cần giải quyết, bên cạnh việc mở thêm nhà ga, chỗ đậu máy bay.
TS. Lê Đăng Doanh
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, sự tăng trưởng của ngành hàng không đã dẫn đến sự cạnh tranh rất cao. Cơ quan chức năng quản lý ngành hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực để các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh lành mạnh, đó là điều quan trọng nhất và được xem là tích cực của hàng không Việt Nam.
Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways, cho rằng cạnh tranh giữa các hãng bay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hành khách. Chiến lược của hãng Bamboo là cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sự an toàn, tiện nghi của các dịch vụ chất lượng. Điểm riêng của Bamboo Airways là mở các đường bay ngách với các địa phương có nhu cầu kết nối và có tiềm năng du lịch. 
Trong lúc hành khách nội địa và quốc tế tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, thêm hãng bay tư nhân ra đời, một vấn đề đặt ra cho ngành hàng không Việt Nam là sự tăng trưởng có quá “nóng”, có làm quá tải ở các cảng hàng không quốc tế trong nước? Bởi trong vòng 3 năm trở lại đây, báo chí luôn phản ánh tình trạng căng cứng ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ, mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải. Có những thời điểm, những chuyến bay từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TPHCM, máy bay phải bay vòng vòng trên trời cả tiếng đồng hồ để chờ hạ cánh xuống phi trường.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng không nên sợ sự phát triển nóng, thay vào đó chúng ta phải cải tạo công nghệ ngành hàng không. Ông Doanh hiến kế để phát triển bền vững, ngành hàng không và ngành du lịch cần vận dụng tốt hơn kinh tế số và công nghệ thông tin. Tại các cảng hàng không trọng điểm, các ki-ốt check-in tự động không phải xếp hàng sẽ nhanh hơn rất nhiều lần, lúc đó có thể tăng 400% số lượt khách.
Trên thực tế, từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài về trung tâm thành phố, chưa có sự kết nối rõ rệt các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chỉ có lác đác vài tuyến xe buýt. Trong khi ở nước ngoài, khi xuống sân bay quốc tế họ có tàu hỏa, tàu điện, xe buýt liên tục. 
Do vậy, cần có giải pháp cụ thể giải quyết khâu này. Nếu kết nối sân bay tốt hơn, vận dụng tốt hơn hạ tầng kỹ thuật sẽ tăng thêm được tần suất và công suất sử dụng của các sân bay lên rất nhiều. Thêm nữa, để xử lý vấn đề quá tải cần tăng cường bay đêm, giảm giá vé bay đêm, từ đó sẽ tăng số hành khách bay đêm. 

Các tin khác