CEO Pfizer: Trong 1 năm tới, cuộc sống sẽ bình thường trở lại

(ĐTTCO) - CEO Albert Bourla của Pfizer cũng cho rằng tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng năm có thể trở thành một việc cần thiết.
CEO Albert Bourla của Pfizer. Ảnh: Reuters.
CEO Albert Bourla của Pfizer. Ảnh: Reuters.

Cuộc sống trên thế giới sẽ quay trở lại trạng thái bình thường trong vòng 1 năm tới đây, Tổng giám đốc (CEO) kiêm Chủ tịch Albert Bourla của hãng dược Pfizer dự báo ngày 26/9, đồng thời cho rằng tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng năm có thể trở thành một việc cần thiết.

“Trong vòng một năm nữa, tôi nghĩ là chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường”, ông Bourla nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC.

Theo ông Bourla, việc quay trở lại cuộc sống bình thường sẽ có những trở ngại: “Tôi không cho là việc này đồng nghĩa với những biến chủng mới sẽ không tiếp tục xuất hiện. Tôi cũng không nghĩ là việc này có nghĩa chúng ta sẽ không cần đến vaccine nữa. Tất cả đều phải chờ xem”.

Dự báo của CEO Pfizer về sự trở lại của cuộc sống bình thường tương tự như dự báo mà CEO Stephane Bancel của Moderna đưa ra.

“Tôi tin chắc là trong vòng 1 năm kể từ bâygiờ”, ông Bancel trả lời tờ báo Thuỵ Sỹ Neue Zuercher Zeitung vào tuần trước, khi được đề nghị đưa ra dự báo về việc khi nào cuộc sống trên thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường.

Theo quan điểm của ông Bourla, để trạng thái bình thường được lập lại, việc tiêm vaccine ngừa Covid hàng năm sẽ là một việc cần thiết.

“Theo quan điểm của tôi, kịch bản có khả năng cao nhất là virus sẽ tiếp tục có những biến chủng mới do lây lan khắp thế giới. Chúng ta sẽ có những vaccine có tác dụng trong vòng 1 nhất 1 năm, và việc tiêm vaccine hàng năm có thể là cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa biết chắc về điều này, mà phải chờ các dữ liệu thực tế để xác định”.

Hôm thứ Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ, tiến sỹ Rochelle Walensky phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid do Pfizer/BioNTech sản xuất đối với những người làm trong những ngành nghề có mức độ rủi ro nhiễm Covid cao, người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền. Quyết định này của CDC Mỹ vượt phạm vi tiêm nhắc lại mà một uỷ ban cố vấn bên ngoài đưa ra trước đó. Khuyến nghị của uỷ ban cố vấn là chỉ tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối mạnh việc tiêm nhắc lại vaccine Covid trên diện rộng, nói rằng các nước giàu nên nhường phần vaccine dư thừa của mình cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Ông Bourla nói rằng việc phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn nào cũng là không đúng đắn, mà cần xác định mũi tiêm nhắc lại có cần thiết hay không.

Hôm thứ Ba, cựu Giám đốc CDC Mỹ Tom Frieden, chỉ trích Moderna và Pfizer vì không chia sẻ rộng rãi hơn quyền sở hữu trí tuệ về vaccine Covid để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu.

“Bằng cách tập trung vào việc bán vaccine với mức giá đắt đỏ cho các nước giàu, Moderna và Pfizer chẳng đóng góp gì cho việc thu hẹp khoảng cách về nguồn cung vaccine trên toàn cầu. Thật đáng xấu hổ”, ông Frieden viết trên Twitter.

Ông Bourla nói rằng việc chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ không phải là một ý tưởng tốt.

“Tài sản trí tuệ là điều mang lại một lĩnh vực khoa học sôi động và sẵn sàng khi đại dịch xảy đến”, ông Bourla nói. “Nếu không có điều đó, sẽ không thể có vaccine… Chúng tôi cũng tự hào về những gì mình đã làm… Chúng tôi đã cứu hàng triệu sinh mạng”.

Pfizer hiện bán vaccine với mức giá khác nhau cho các quốc gia có thu nhập khác nhau. Ông Bourla cho biết các nước đang phát triển được mua vaccine của hãng này với mức giá bằng giá thành sản xuất. Ông cũng nhắc đến việc Pfizer đang cung cấp cho Chính phủ Mỹ 1 tỷ liều vaccine ở giá vốn và Mỹ dùng số vaccine này để tài trợ “hoàn toàn miễn phí cho những nước nghèo nhất trên thế giới”.

Các tin khác