Chậm cổ phần hóa các nhà mạng

(ĐTTCO) - Câu chuyện về cổ phần hóa (CPH) các mạng di động 100% vốn nhà nước như MobiFone, VinaPhone hay Viettel không phải mới, thậm chí đã được đề cập từ hơn 10 năm trước. Thế nhưng cho đến nay, việc các nhà mạng này sẽ được CPH như thế nào, vào thời điểm nào vẫn đang là ẩn số.

Viettel: Chưa có động thái
Thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện nay đang có 5 nhà mạng khai thác, gồmViettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và Gmobile. Trong khi Vietnamobile và Gmobile đều được hình thành trên việc liên doanh với đối tác nước ngoài, 3 nhà mạng còn lại đều là 100% vốn nhà nước. Với những vấn đề về lịch sử, lợi thế đi trước của mình, 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone hiện chiếm khoảng 95% thị phần ở Việt Nam.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, kết thúc năm 2017, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam đạt 119,7 triệu và doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 ước đạt 380.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016. Dịch vụ di động vẫn được xem là thị trường “mỏ vàng” đối với các DN viễn thông ở Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, câu chuyện CPH 3 ông lớn di động Viettel, VinaPhone và MobiFone được nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ trong nước và còn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Với Viettel, cụ thể là mạng di động Viettel (Viettel Telecom) - nhà mạng có lượng thuêbao và hạ tầng được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay, mặc dù đã từng được đề cập đến, nhưng cho đến nay chưa bao giờ có một động thái cho thấy Viettel Telecom sẽ được CPH.
Một lãnh đạo Tập đoàn Viettel từng khẳng định những lĩnh vực khác Viettel có thể CPH, nhưng với di động sẽ không. Bởi theo triết lý và chiến lược phát triển của mình, Viettel xem di động là nòng cốt để thực hiện các chính sách phổ cập viễn thông, di động, kiến thức… vốn là tiêu chí đầu tiên của Viettel khi ra đời.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2018/NĐ-CP phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viettel. Theo đó, Viettel là DN quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Theo nghị định này, Viettel Telecom là 1 trong 16 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Viettel. Như vậy, việc mạng di động Viettel được CPH sẽ không thể diễn ra trong thời gian gần.
Chậm cổ phần hóa các nhà mạng ảnh 1 MobiFone sẽ lùi thời điểm CPH đến năm 2019. 
MobiFone và VinaPhone:Cuối 2019?
Câu chuyện CPH mạng MobiFone thực sự là trường kỳ và gặp nhiều trắc trở nhất. MobiFone đã khởi động kế hoạch CPH từ năm 2005 khi hoàn tất bản hợp đồng đối tác liên doanh giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Comvik (Thụy Điển). Lúc đó, Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành CPH MobiFone.
Thời điểm đó, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cũng đặt quyết tâm thực hiện CPH MobiFone. Năm 2008, Credit Suisse được chọn làm tổ chức tư vấn CPH cho MobiFone và đưa ra mức định giá khoảng 2 tỷ USD với mạng di động này vào đầu năm 2009. Tiến trình CPH tưởng sắp được hoàn tất. Thế nhưng tất cả vẫn giậm chân tại chỗ với hàng loạt lý do khác nhau. Mãi đến khi tách khỏi VNPT vào tháng 8-2014,  MobiFone đã khởi động lại quá trình CPH. 
Tháng 9-2015, MobiFone chọn nhà tư vấn CPH là Công ty Chứng khoán Bản Việt chịu trách nhiệm tư vấn định giá và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho nhà mạng này. Tháng 6-2014, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD, thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016-2017.
Cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu và Bộ TT-TT cũng đặt quyết tâm thực hiện CPH MobiFone trong năm 2018. Việc CPH MobiFone trong thời gian qua đang gặp nhiều lực cản. Nhất là khi việc thanh tra MobiFone về việc mua 95% cổ phần AVG chưa đến hồi kết, sẽ rất khó để tiến hành CPH. Thông tin mới nhất từ Bộ TT-TT cho biết sẽ  lùi việc CPH MobiFone đến năm 2019, thay vì thời hạn năm 2018 theo kế hoạch của Chính phủ. 
Với mạng VinaPhone, vốn là đơn vị hạch toán phụ thuộc của VNPT, việc thực hiện CPH cũng chưa rõ ràng. Theo Quyết định 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 29-12-2017) phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020, VNPT (công ty mẹ) phải bảo đảm hoàn thành CPH trong năm 2019 theo đúng quy định.
Trong quá trình CPH, hội đồng thành viên VNPT nghiên cứu, báo cáo Bộ TT-TT xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế hạch toán của VinaPhone để bảo đảm hiệu quả, không làm thất thoát vốn nhà nước tại DN. Mới đây, Bộ TT-TT cũng đã thành lập ban chỉ đạo CPH VNPT do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban nhằm thúc đẩy việc CPH VNPT theo đúng lộ trình. 
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT, cho biết để chuẩn bị cho CPH, VNPT đã thành lập bộ phận để thực hiện các công việc này. VNPT cũng chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm CPH của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Petrolimex, Vietnam Airlines… và các tổ chức tư vấn quốc tế. Hiện VNPT đã tiến hành các công việc để sẵn sàng cho CPH.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2018, VNPT xác định giá trị DN và đến cuối năm 2019 VNPT sẽ tiến hành IPO (niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu). “VNPT dự kiến bán 35% cổ phần và Nhà nước giữ lại 65% cổ phần. Như vậy VNPT vẫn là DN nhà nước chiếm thị phần khống chế. VNPT xác định việc CPH cần được tiến hành thận trọng với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho VNPT và Nhà nước. Tuy nhiên, phương án CPH VNPT sẽ được phê duyệt ra sao phải chờ ban chỉ đạo CPH VNPT quyết định” - ông Liêm cho biết.

Các tin khác