Chênh vênh ngành mía đường

(ĐTTCO) - Ngành đường Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về đầu ra và áp lực cạnh tranh với các sản phẩm đường ngoại nhập, đặc biệt là đường Thái Lan. Thay đổi để tồn tại, hợp tác kinh doanh nhưng xem ra đó chỉ là giải pháp tình thế.

Chênh vênh ngành mía đường
Nhà máy nợ tiền nông dân
Đến thời điểm này, niên vụ sản xuất 2017-2018 đã kết thúc, khi Tuy Hòa là nhà máy (NM) đường cuối cùng kết thúc vụ ép vào cuối tháng 7 vừa qua. Niên vụ 2017-2018, sản lượng mía được các NM đưa vào ép 15.168.817 tấn, sản lượng đường 1.444.325 tấn (trong đó đường tinh luyện-RE 631.485 tấn), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
So với niên vụ sản xuất 2016-2017, sản lượng mía đưa vào ép tăng 15% và sản lượng đường tăng 17%. Căn cứ cân đối cung cầu, lượng đường sản xuất trong niên vụ 2017-2018 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm ổn định, tuy nhiên các NM đường vẫn đang gặp phải khó khăn rất lớn.
 Để cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ năm 2018, các DN nên tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất để giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Chọn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là việc các DN mía đường cần làm. 
Ông ĐẶNG VĂN THÀNH,
Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công
Trước hết là giá đường liên tục giảm từ đầu vụ, với mức giảm tổng cộng tới 28%. Trong tháng 7-2018, giá bán buôn đường kính trắng ở miền Bắc phổ biến từ 10.700-11.200 đồng/kg, miền Trung-Tây nguyên từ 10.500-10.700 đồng/kg và TPHCM từ 10.600-11.200 đồng/kg, gần sát với giá đường lậu Thái Lan (khoảng 10.000 đồng/kg), nhưng việc tiêu thụ vẫn rất chậm.
Ước tính đã có khoảng 500.000 tấn đường của Thái Lan được nhập về Việt Nam qua biên giới với Lào và Campuchia, chiếm 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước. Thậm chí có thời điểm, đường lậu Thái Lan làm chủ thị trường đường.
Bên cạnh đó, các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm (nhất là nước giải khát), cũng được gia tăng nhập khẩu về Việt Nam, gây thêm khó khăn cho tiêu thụ đường mía nội địa. Do đó, lượng đường tồn kho còn rất lớn.
Đến cuối tháng 8, tồn kho tại các NM đường là gần 700.000 tấn, gần bằng một nửa sản lượng. Gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ đường, cộng với hạn mức tín dụng của ngân hàng đã hết, nhiều NM đang phải nợ nông dân trồng mía tới hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, các dự báo cho thấy giá đường thế giới trong những tháng tới vẫn ở mức thấp, khiến cho giá đường khó có khả năng tăng lên được.

Kết quả kinh doanh ảm đạm
Trong bối cảnh ngành đường gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh ngày càng gay gắt, CTCP Mía đường Sơn La (SLS) đã quyết định đẩy mạnh hoạt động bán thuốc sâu để tăng doanh thu.
Báo cáo tài chính quý IV niên vụ 2017-2018 của SLS (từ 1-4-2018 đến 30-6-2018) cho thấy, doanh thu đến từ đường, mật rỉ chỉ đạt 72 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ thuốc trừ sâu đạt 63,5 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi, biên lợi nhuận của sản phẩm thuốc trừ sâu rất thấp, giá vốn lại cao, dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng nhẹ 1,6 tỷ đồng; chi phí quản lý DN giảm 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính của công ty tăng tới hơn 5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các quản chi phí và thuế, công ty thu về 15,3 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Còn CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên vụ 2017-2018 với con số lỗ hơn 11 tỷ đồng, dù doanh thu tăng trưởng. Theo đó, doanh thu thuần của LSS đạt 732,9 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí giá vốn lại tăng cao hơn (7%), khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 45,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN đều tăng khiến LSS ghi nhận lỗ thuần hơn 10,4 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng không tránh được xu hướng chung khi cả năm biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 2,7%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 21,5%.
Cùng chung tình trạng khó khăn là CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), doanh thu đạt 1.065 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tìm kênh hợp tác
Đầu tư vào nông nghiệp vẫn là hướng đi dài hơi của các DN ở nước ta, và ngành mía đường cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong năm 2017, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa.
Với sự hợp tác này, về cơ bản Vinamilk đã khép kín chuỗi cung ứng của mình, còn Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có cơ hội tái cơ cấu DN, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đình đám hơn hết là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và CTCP Đường Biên Hòa cùng sáp nhập để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam, với thị phần hơn 30%.
Những “ông lớn” trong ngành mía đường đã tìm đến con đường M&A, như vậy các DN mía đường khác có công suất nhỏ cũng nên tính đến chuyện sáp nhập, liên kết để hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài chuyện mua bán và sáp nhập, gần đây ngành mía đường trong nước cũng chứng kiến sự hợp tác giữa DN mía đường với DN phân phối, tiêu thụ đường, như thương vụ hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn KIDO.
Hay như mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực ngành mía đường. Trong đó, Coca-Cola Việt Nam sẽ sử dụng 100% nguyên liệu đường trong nước để chế biến vào năm 2020.

Các tin khác