Chiến lược “zero covid” làm khó hàng Việt vào Trung Quốc

(ĐTTCO) - Không chỉ đưa ra các quy định chặt chẽ việc kiểm soát virus corona trên bao bì và phương tiện vận chuyển các mặt hàng nông sản nhập khẩu, Trung Quốc còn thắt chặt các điều kiện nhập khẩu. Điều này sẽ khiến con đường đưa nông sản Việt vào thị trường này thêm khó. Liệu chúng ta có thể thay đổi để thích ứng? 

Chiến lược "Zero covid" đã ngày càng làm khó hàng Việt xuất khẩu vào Trung Quốc.
Chiến lược "Zero covid" đã ngày càng làm khó hàng Việt xuất khẩu vào Trung Quốc.
Đội chi phí, tăng rủi ro
Ngày 19-8, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch, Trung Quốc yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Cụ thể, từ ngày 18-8 không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc, phải để lái xe của Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe nước bạn sẽ đưa xe trở lại bãi để trao trả. Bộ Công Thương đánh giá việc thay đổi này sẽ làm phát sinh chi phí và rủi ro cho DN xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản.
Chưa hết, qua tháng 9, chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng 7 ngày (từ 15 đến 21-9), do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Thực tế, không phải qua tới tháng 8, tháng 9 Trung Quốc mới siết chặt các quy định nhằm phòng chống dịch Covid -19. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết do theo đuổi chiến lược “zero Covid”, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Trước đây họ kiểm tra, khử khuẩn theo từng lô, thời điểm dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam họ kiểm tra, khử khuẩn từng thùng hàng.
Thêm vào đó trong 9 loại trái cây xuất sang Trung Quốc có 8 loại chưa ký kết thỏa thuận về kiểm dịch thực vật (mới chỉ măng cụt có nghị định thư về kiểm dịch thực vật), nên việc kiểm hàng hóa cũng gắt gao hơn. Việc này sẽ khiến DN chịu thêm chi phí và rủi ro khi xuất khẩu các mặt hàng trái cây vào Trung Quốc. 
“Khi kéo dài thời gian kiểm tra, khử khuẩn… sẽ phát sinh chi phí chạy máy phát điện giữ kho lạnh cho container hàng. Nếu thời gian kéo dài quá lâu chất lượng trái cây sẽ bị ảnh hưởng, hao hụt nhiều.
Thí dụ, thanh long bị kẹt lại 10 ngày dù trong xe lạnh cũng khó giữ được chất lượng. Đây cũng là một trong những lý do khiến rau quả xuất khẩu năm nay khó về đích như kỳ vọng ban đầu (4 tỷ USD), chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD” - ông Nguyên chia sẻ.
Thực tế không chỉ khắt khe trong kiểm dịch hàng hóa để kiểm soát dịch, từ đầu năm đến nay Trung Quốc còn ban hành thêm hàng loạt quy định mới. Như từ tháng 1 tới tháng 10 có tới 42 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.
Hay mới đây Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới (GB 2763-2021), quy định hơn 10.000 mức giới hạn dư lượng tối đa. So với văn bản ban hành năm 2019, tiêu chuẩn mới này tăng 81 loại thuốc bảo vệ thực vật, số loại bị giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng thêm gần 3.000 loại. 
Ngoài ra, Trung Quốc công bố danh sách áp dụng kiểm dịch thực vật đối với 500 loài vi sinh vật khác nhau. Trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến như rệp, ruồi đục thân, đục hạt quả… thường đi theo các loại quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2022 với Lệnh số 248, 249, Trung Quốc tiếp tục siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản, con đường đưa nông sản Việt vào thị trường này càng gian nan hơn. 
Chiến lược “zero covid” làm khó hàng Việt vào Trung Quốc ảnh 1
Ứng phó được không?
Lâu nay Trung Quốc vẫn được xem là thị trường dễ tính và là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Vậy với những thay đổi trên, Việt Nam có thích ứng kịp để tránh ngưng trệ việc xuất khẩu?
Nói về điều này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng tuy Trung Quốc đang gia tăng yêu cầu, nhưng tiêu chuẩn của thị trường này vẫn thấp hơn các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.
Vì thế, với các thị trường khó tính nông sản Việt vẫn vào ngày một nhiều hơn, không có lý gì lại khó vào Trung Quốc. Điều quan trọng, khi đối tác yêu cầu, chúng ta muốn bán được hàng phải thực hiện.
Theo đó, DN sẽ đôn đốc các vùng trồng và xuống tới từng người nông dân để thực hiện cho đúng. Lâu nay nông dân vẫn có thói quen làm dễ dãi nhưng sẽ phải từng bước chuyển đổi. 
Đồng ý kiến với nhận định của ông Nguyên, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, cho rằng những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam cần thay đổi. Để xuất khẩu được, các DN, cơ sở sản xuất phải đảm bảo được các tiêu chuẩn phía đối tác đưa ra.
Những năm gần đây, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc đang giảm dần và chuyển hướng sang các thị trường khó tính. Cụ thể năm 2020, Trung Quốc chiếm 57% thị phần, năm 2021 ước giảm còn 55%.
Trong khi đó thị trường châu Âu, Mỹ có mức tăng trưởng mạnh. Song xuất khẩu sang những thị trường này cũng gặp một số khó khăn. Thứ nhất, đơn hàng có nhưng lại không đủ hàng đáp ứng tiêu chuẩn đối tác đưa ra. Họ không chỉ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao còn đòi hỏi tính ổn định lâu dài.
Thứ hai, chi phí vận chuyển tăng cao và việc thiếu container rỗng khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trái cây, rau củ khi xuất khẩu bằng đường biển. 
Tại diễn đàn trao đổi, giới thiệu về Lệnh 248, 249 của Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, lưu ý các DN về trách nhiệm an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do đó, các DN lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), đồng thời chọn nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Đặc biệt DN cần làm việc nhiều hơn với các cơ quan chức năng để nắm thông tin và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường này. Trung Quốc đến nay là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam và trong những năm tới vị thế này có lẽ chưa thể thay đổi. 
 Từ năm 2022 Trung Quốc tiếp tục siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản, con đường đưa nông sản Việt vào thị trường này càng gian nan hơn.

Các tin khác