Chống chuyển giá không thể đánh đồng

(ĐTTCO) - Mới đây, Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó kiến nghị xem xét cân nhắc về quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN chưa thực sự phù hợp, tạo rào cản cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn như BĐS. 

Làm khó DN BĐS 
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này đã gây khó khăn cho DN kinh doanh BĐS.
Thứ nhất, Điều 7 Luật DN (năm 2014) quy định quyền của DN được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề pháp luật không cấm”. Quy định của Luật DN đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực tiễn thực hiện hoạt động kinh doanh của DN. Theo đó, DN được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, mô hình kinh doanh, loại hình tổ chức kinh tế, hình thức, cách thức huy động vốn, quyền tự do hợp đồng, tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp, tự do cạnh tranh lành mạnh.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh BĐS. Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là DN kinh doanh các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn như BĐS. Điều này khiến DN e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập DN.
Chống chuyển giá không thể đánh đồng ảnh 1 Quy định khống chế lãi vay sẽ làm khó DN BĐS cần vốn lớn. 
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân, với mô hình công ty mẹ - công ty con hiện đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Chính vì thế, việc đi vay và cho vay là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn. Trong bối cảnh đó, quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. 
Cần phân loại đối tượng
Theo nhiều chuyên gia, dù Nghị định 20 đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong công cuộc chống tránh thuế, chuyển giá, nhưng cần phải rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng để tránh gây hoang mang cho các DN. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay quy định không rõ ràng về đối tượng áp dụng, gây nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch.
Thí dụ, 1 DN có giao dịch vay vốn với DN liên kết nhưng đồng thời lại vay ngân hàng. Vậy câu hỏi đặt ra là nên khống chế đối với toàn bộ chi phí lãi vay hay chỉ của DN liên kết, vì trường hợp này đã thuộc đối tượng áp dụng? Khống chế toàn bộ hay chỉ khống chế phần vay của DN liên kết? 2 cách hiểu này đang không thống nhất, cần phải điều chỉnh. Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong pháp luật về thuế càng phải bình đẳng. Với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay, có thể lớn hơn mức 20%.
Trong khi đó, theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), các quy định tại Nghị định 20 đã tính tới thực tế Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). BEPS đưa ra quy định khống chế lãi vay trên từ 10- 30% và chúng ta đã cân nhắc chọn mức trung bình 20%, trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn toàn cầu. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc sử dụng vốn vay là cần thiết, nhưng DN cũng phải tính toán lại các khoản vay giúp lành mạnh tình hình tài chính DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Về các ý kiến phản ánh của DN, Tổng cục Thuế sẽ rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trên tinh thần phải bình đẳng giữa các DN có giao dịch liên kết.
 Cần có khảo sát nghiêm túc, khoa học để có tính toán chính xác, đưa ra số liệu chứng minh mức độ khống chế lãi vay phù hợp. Theo đó, chỉ các DN liên kết nhưng khác biệt về thuế suất, thuế thu nhập DN, có ưu đãi thuế hay có động cơ chuyển giá mới bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20, thay vì áp dụng cho tất cả DN.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính 

Các tin khác