Chủ động phòng vệ thương mại

(ĐTTCO) - Khi hàng rào thuế quan bị phá bỏ, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tục vướng phải các vụ việc này. Vì lẽ đó việc tìm kiếm kinh nghiệm là hết sức cần thiết. 
Chuyện con tôm vào Hoa Kỳ
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ngày 10-9 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm Việt Nam trong kỳ xem xét hành chính thứ 12 (POR12). Theo đó, mức thuế cho Công ty Fimex (Sao Ta) 4,58% và các công ty khác 4,58%.
Theo Vasep, Fimex được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho các công ty còn lại. Như vậy, mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,39% DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8-3-2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11. 
 Trong bối cảnh gia tăng các vụ kiện PVTM như hiện nay, việc “phòng bệnh” rất quan trọng. Khi vụ kiện được khởi xướng liên quan đến mình, DN cần tập trung nguồn lực tài chính và nhân sự để theo đuổi vụ kiện cho tới cùng. Mọi sự tham gia nửa vời đều dẫn tới kết quả bằng 0 và chỉ gây tốn kém thêm cho DN.
Luật sư Nguyễn Văn Hải
Năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá tăng cao hơn so với những năm trước, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ lại giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế CBPG. 8 tháng năm 2018 xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục giảm 10,5% xuống còn khoảng 372 triệu USD. Với mức thuế cuối cùng của POR12 thấp hơn POR11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ những tháng tới sẽ hồi phục, dự kiến cả năm 2018 đạt khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Sao Ta, cho biết để có kết quả này công ty đã cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của DOC, đồng thời có sự tư vấn, vào cuộc tích cực của các hãng luật, sự đồng hành của Vasep. Thực ra từ năm 2004 con tôm Việt Nam đã trải qua mười mấy kỳ xem xét hành chính của DOC nhưng vẫn vào được thị trường Hoa Kỳ. Điều này cho thấy nếu có đối sách thích hợp, dù có vướng vào các vụ kiện PVTM nhưng DN, ngành hàng vẫn có thể xuất khẩu được. 
Chủ động phòng vệ thương mại ảnh 1 Từ vụ con tôm về vụ CBPG, cho thấy các DN phải chủ động phòng vệ thương mại. 
Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, để có thể trải qua mười mấy kỳ xem xét hành chính và đạt được những kết quả tốt phải nhờ vào nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là DN phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch về sổ sách, truy xuất được về hồ sơ gốc để có thể đáp ứng mọi yêu cầu thông tin của phía DOC. V
iệc thuê luật sư, văn phòng luật giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường ngay tại nước khởi xướng các vụ việc PVTM cũng giúp DN ngành thủy sản đương đầu với những điều khoản, yêu cầu của nước nhập khẩu. Một yếu tố quan trọng nữa là phải kiên trì theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), bởi nếu bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ thị trường lớn. 
Không nửa vời
Theo số liệu thống kê từ Cục PVTM, tính đến nay Việt Nam đã đối mặt với 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 78 vụ điều tra CBPG, 12 vụ việc về trợ cấp, 25 vụ việc về tự vệ, 17 vụ việc về lẩn tránh thuế CBPG.
Chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp PVTM hiện nay, bà Trần Thị Lan Hương, Phòng xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, nhấn mạnh: “Trước hết phải chủ động phòng tránh bằng việc đa dạng hóa thị trường, mặt hàng. Tìm hiểu rõ về pháp luật PVTM, xu hướng kiện PVTM của nước xuất khẩu. DN bị vướng vào vụ kiện PVTM cần thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và cơ quan chức năng; chuẩn bị hồ sơ chứng từ; xác định rõ mục tiêu chiến lược, tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất và đi đến cùng”. 
Thực tế hiện nay nhiều DN xuất khẩu vẫn còn e ngại vấn đề chi phí khi thuê luật sư giải quyết các vụ kiện PVTM. Tuy nhiên 1 vụ kiện thường liên quan đến 1 ngành hàng, trong đó có sự tham gia của nhiều DN, vì thế nếu chia ra chi phí cũng không quá nhiều cho 1 DN. Đó là chưa kể DN cũng cần đưa lên bàn cân về chi phí tài chính phải bỏ ra với lợi ích thu về nếu vụ kiện được giải quyết theo hướng có lợi cho mình.
Để làm được điều này các DN phải tìm được tiếng nói chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Vai trò của hiệp hội, ngành hàng ở những thời điểm như thế này hết sức quan trọng. Cho đến nay Vasep đã thể hiện được vai trò của mình trong nhiều vụ việc liên quan đến các sản phẩm như cá tra, tôm trong suốt nhiều năm qua. 

Các tin khác