Chủ tịch FPT Telecom: 'Mặt trời' sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch

(ĐTTCO) - Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom khẳng định đại dịch Covid-19 không hạ gục được cộng đồng doanh nghiệp Việt, và "mặt trời" sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch. "Những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn", Chủ tịch FPT Telecom nhìn nhận. 
Chủ tịch FPT Telecom nhận định "mặt trời" sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch.
Chủ tịch FPT Telecom nhận định "mặt trời" sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch.
Nói về những tác động của dịch tại Chuỗi hội thảo VIETNAM CEO FORUM vừa trở lại cùng phần 3 với chủ đề "Mặt trời ló dạng nơi đâu?", ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, đánh giá Covid -19 gây ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp. Hàng hoá về Việt Nam mất gấp đôi thời gian. Hàng loạt thiết bị công nghệ cao không có cam kết về thời hạn giao hàng, khiến FPT Telecom cũng rơi vào thế lỡ hẹn với khách hàng.  
Bên cạnh đó, chuyên gia cao cấp không vào Việt Nam được, các công ty FDI chuyển nhiều hoạt động qua nước khác, tạm dừng các điều khoản hợp đồng. Đối với thị trường trong nước, suốt 1 năm vừa qua, hàng ngàn bạn trẻ lẽ ra phải được gặp gỡ để làm việc, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nhưng lại phải làm việc online. 
Song ông Tiến cho rằng nhờ đặc thù ngành mà doanh nghiệp mình vẫn nằm trong top 15% doanh nghiệp hoạt động, thậm chí còn là "doanh nghiệp chiến đấu" vì cả đội ngũ phải làm việc nhiều hơn, giải quyết nhiều bài toán khó khăn hơn. Và khó khăn sẽ làm các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
Ông Tiến dự báo, khoảng thời gian 4 đến 12 tuần sắp tới được xem là “lò xo nén”. 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh.
Cũng nhìn vào mặt tích cực mà dịch đã thúc đẩy, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT, CEO Tiki, cho rằng dịch Covid-19 khiến sự dịch chuyển diễn ra nhanh hơn.
Dẫn chứng là với thị trường Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 22-25% thị phần, còn lại vẫn là bán lẻ truyền thống. Dù tốc độ chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang hiện đại đang diễn ra, nhưng một số ngành phải mất rất lâu để chuyển dịch, như thực phẩm tươi sống, y tế, đặc biệt là ở nông thôn. Những ngành này trước đây phải mất 10 năm mới có sự thay đổi, nhưng nhờ dịch mà rút ngắn thời gian còn một nửa. 
Theo các diễn giả, dịch cũng là động lực để nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) linh hoạt tìm kiếm nguồn lực mới để phục hồi ngay sau đại dịch.
 “Bản chất của các SME Việt Nam rất uyển chuyển, nhanh nhạy trong việc chuyển đổi số và trong kinh doanh, nên họ sẽ tận dụng tất cả những thứ họ thấy được để tồn tại. Việc tận dụng hệ sinh thái của nhau để phát triển nhanh hơn là việc rất cần thiết. Nói ngắn gọn, doanh nghiệp cùng cộng sinh với nhau mà sống", ông Sơn nhìn nhận. 

Các khách mời đều đồng ý rằng chuyển đổi số là con đường tối quan trọng trong cuộc đua “tái tạo” sau Covid-19. Thêm vào đó, những doanh nghiệp nào “trên mây” sớm, tức chuyển đổi cộng nghệ sớm, thì sẽ đón được nhiều ánh sáng "mặt trời" hơn.

Chuỗi 3 phiên thảo luận của VIETNAM CEO FORUM đã khép lại cùng những giải pháp cho bài toán khó trong và sau đại dịch. Nhìn lại cơn bão, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thấy được rằng, không bao giờ "có trận đánh cuối cùng". Doanh nghiệp muốn đón được "mặt trời" thì phải có những “liều vaccine” để hình thành kháng thể, để đón ánh "mặt trời" và chuyển hóa năng lượng.
Mỗi doanh nghiệp là một cá thể đặc biệt và đón nhận “mặt trời” theo những hướng tiếp cận khác nhau. Để làm được điều đó, tố chất của người lãnh đạo và về số hóa, tính tập trung, tính đồng lòng, cân bằng giữa việc chỉ huy và dân chủ cũng là những yếu tố quan trọng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nắm bắt cơ hội nhanh chóng, đôi khi tốc độ là điều kiện tiên quyết. Do vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội và xây dựng tính cộng đồng, tính liên kết làm để có khả năng chuyển hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Kể lại những khó khăn trong thời điểm dịch, các doanh nghiệp cùng tin tưởng vào khả năng vực dậy và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam sau đại dịch. 

Các tin khác