Chưa tận dụng tiềm năng cảng biển

(ĐTTCO) - Theo tính toán, tổng chi phí logistics (*) ở Việt Nam đang ở mức 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân do yếu kém về hệ thống giao thông kết nối, công nghệ, trình độ quản lý, đặc biệt là quy định mức giá dịch vụ lạc hậu, đang trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của DN cảng biển. 

Chi phí logistics cao
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển nhờ có vùng biển rộng, dài, sâu, chỉ số hàng hải cao gấp 5-6 lần so với thế giới. Nhiều năm qua, việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ nhằm thúc đẩy, khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn này.
Song, hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ cảng biển nước ta nhìn chung còn thiếu tính đồng bộ, khả năng kết nối thấp, quy định mức khung giá lạc hậu...
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, đến năm 2018 đã vươn lên lên thứ 39/160 nước, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, sau Singapore và Thái Lan.
Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc (19% GDP), Thái Lan (18%), Nhật Bản (11%). Nguyên nhân do kết nối hệ thống hạ tầng chưa tốt, chưa đồng bộ, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt…
Chưa tận dụng tiềm năng cảng biển ảnh 1 Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển. 
Lấy thí dụ về những yếu kém của hạ tầng làm đội giá thành dịch vụ, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, cho biết luồng Soài Rạp sau khi Nhà nước đầu tư nguồn vốn lớn (trên 3.000 tỷ đồng) để nạo vét nay đã bị bồi lắng. Thực trạng này ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DN vì tàu trọng tải lớn không ra vào.
Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe căng thẳng khiến chi phí vận tải tăng cao. Tính bình quân, chi phí vận tải 1- 1,5 triệu đồng/xe/ngày. Nếu trễ do kẹt xe sẽ mất khoảng 700.000 đồng/xe/ngày. Do đó, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 3, vành đai 4, góp phần hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông, giảm tình trạng kẹt xe hiện nay.
Thu phí dịch vụ thấp
Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 45 cảng biển (263 bến cảnh, 18 khu neo đậu, chuyển tải) với gần 89km chiều dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế hơn 543 triệu tấn hàng/năm. Hiện có hơn 216 DNNN và tư nhân sở hữu và quản lý khai thác.
Hệ thống cảng biển đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bổ trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.
Hệ thống cảng phủ rộng, nhưng chỉ một số cảng được xây dựng mới đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại (cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Lạch Huyện Hải Phòng, cảng Hải Phòng, cảng Cát Lái), còn lại phần lớn cảng của DN tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao.
Do đó mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng, mức khung giá một số dịch vụ được xây dựng từ những năm 2013-2014 không còn phù hợp. Trong đó, khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách tại các cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp so với khu vực.
Chẳng hạn, giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực cảng Hải Phòng chỉ khoảng 30USD/cont20'/lần xếp dỡ, Đà Nẵng 45USD/cont20'/1 lần xếp dỡ, TPHCM 41USD/cont20'/lần xếp dỡ. Trong khi Campuchia 65USD/cont20'/1 lần xếp dỡ, Malaysia 52USD/cont20'/1 lần xếp dỡ, Hồng Công lên tới 130USD/cont20'/1 lần xếp dỡ. Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng sẽ đóng 0,9-1,1USD/lượt, trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore và Nhật Bản 8USD, Hồng Công 14USD, cao hơn hàng chục lần.
Trong khi đó, mức phụ giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng (THC) do chủ tàu thu trực tiếp từ chủ hàng cao, nhưng trả cho cảng rất thấp, khiến nhiều DN cảng không có đủ nguồn để tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phát triển hệ thống hạ tầng. 
Trước thực trạng nêu trên, Cục Hàng hải đang đề xuất sửa đổi dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển, thay thế Thông tư 3863 của Bộ GTVT, theo 2 phương án:
Phương án 1: giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu 2,5USD/người/lượt, tối đa 5USD/người/lượt; khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10%, từ 30USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33USD/cont20’ và 55USD/cont40’. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III. 
Phương án 2: khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu 5USD/người/lượt, tối đa 15USD/người/lượt; khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình năm 2019 là 33USD/cont20' và 50USD/cont40' (tăng 10%), năm 2019 là 37USD/cont20' và 56USD/cont40' (tăng 20%), năm 2030 là 41USD và 62USD/cont40' (tăng 30%). Hiện Bộ GTVT đang nghiêng về phương án 2.
------------------
(*) Logistics là bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Các tin khác