Cơ hội mới để doanh nghiệp bứt phá

(ĐTTCO)-Hơn 500 tỷ đồng là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đạt được trong năm 2019. Tại thị trường nội địa, DN đã dần ổn định thị phần tiêu thụ sau khi chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, kết hợp với xây dựng giá trị thương hiệu.
Dệt xuất khẩu tại Tổng công ty Phong Phú. Ảnh: CAO THĂNG
Dệt xuất khẩu tại Tổng công ty Phong Phú. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ý kiến của nhiều DN, từ nền tảng này, dự ước, năm 2020 DN sẽ có nhiều bứt phá trong phát triển. Báo SGGP trân trọng giới thiệu một số ý kiến DN xung quanh vấn đề này.

Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM

Kỳ vọng đột phá thị trường châu Âu

39 tỷ USD là mức kim ngạch xuất khẩu mà ngành dệt may đạt được trong năm 2019. Có 2 nguyên nhân đã tác động khá lớn đến tăng trưởng ngành dệt may trong năm 2019 là diễn biến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm sức tiêu dùng của người dân trên toàn thế giới sụt giảm.

Mặt khác, Việt Nam đã triển khai ký nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, nhưng DN lại chưa có kinh nghiệm khai thác thị trường mới. Do vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường này chưa được như kỳ vọng. 

Trên cơ sở sở đó, nhìn về thị trường xuất khẩu năm 2020, những khó khăn trên sẽ còn tiếp tục duy trì. Do vậy, ngay từ đầu năm 2020, DN trong nước đã chuyển hướng sản xuất theo hướng đa dạng hóa thị trường. 3 thị trường chính được DN trong nước dồn sức xuất khẩu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.

Với Hoa Kỳ, duy trì mức ổn định xuất khẩu như hiện nay; đồng thời phát triển thêm sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao và xây dựng thương hiệu Việt.

Với Nhật Bản - đây là thị trường sẽ đẩy mạnh xuất khẩu do đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ được hưởng những mức thuế suất ưu đãi nên có khả năng cạnh tranh cao. 

Riêng thị trường châu Âu được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho xuất khẩu bởi EVFTA đã được ký kết. Quy định về quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi, đòi hỏi với ngành dệt may là từ dệt (khác với FTA khác đòi hỏi từ sợi) - không quá khó đối với DN xuất khẩu.

Để gia tăng mạnh thị phần tiêu thụ tại thị trường này, các DN trong nước đã chủ động kết nối chặt chẽ với nhiều đối tác cung ứng nguyên liệu sản xuất là DN châu Âu. Như vậy, vừa giúp đáp ứng tốt hơn quy tắc xuất xứ hàng hóa, vừa tiệm cận với rào cản kỹ thuật, thương mại mà thị trường này đề ra. 

Ông HỒ QUỲNH HƯNG, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang

Công nghệ mới - bước đệm để giữ thị phần

Năm 2019, Việt Nam tiếp nhận làn sóng đầu tư rất lớn đến từ DN nước ngoài. Điều này minh chứng môi trường đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc thu hút mạnh đầu tư nước ngoài lại làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho DN sản xuất trong nước. Áp lực này không chỉ diễn ra ở thị phần tiêu thụ nội địa mà cả thị phần xuất khẩu. 

Do vậy, để chắc chân thị phần nội địa cũng như thị phần xuất khẩu, DN cần chủ động đổi mới hoạt động để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh trên thị trường.

Riêng với trường hợp Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, ngay từ đầu năm 2019, một mặt DN triển khai chiến lược nội địa hóa theo hướng tăng tỷ lệ linh kiện sản xuất trong nước, tạo cơ sở tăng năng lực cạnh tranh và xuất khẩu. Mặt khác, đầu tư gần 600 tỷ đồng để đổi mới toàn bộ công nghệ sản xuất.

Theo đó, công ty đã đầu tư hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân công nhưng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Công ty cũng đầu tư xây dựng nhà máy công nghệ cao với dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa ở mức cao, được nhập khẩu từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Đức. 

Có thể nói, đầu tư công nghệ là giải pháp sống còn của công ty nói riêng và DN trong cả nước nói chung trong thời gian tới. 

Ông NGUYỄN NGỌC THỊNH, Tổng giám đốc Công ty SX-TM-DV Tiến Thịnh

Tăng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

30% là tỷ lệ cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối mà DN trong nước đạt được trong năm 2019, vượt xa mốc gần 20% vào năm 2018. Điều này cho thấy đang có sự nỗ lực rất lớn của DN Việt trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là giải pháp xuất khẩu gián tiếp hiệu quả, giúp DN giảm thiểu nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận, DN trong nước chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở cấp thấp, phần lớn là nhà cung ứng cấp 3, 4. Rất ít DN có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1.

Nguyên nhân khách quan là do những tập đoàn đầu sản xuất sản phẩm đầu cuối luôn có các nhà thầu cung ứng cấp 1, gắn kết bền vững và cùng nhau tạo nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Những DN cung ứng này đã hình thành và phát triển lâu đời nên có nội lực cạnh tranh rất lớn, luôn đảm bảo cung ứng trang thiết bị, linh kiện sản xuất không bị gián đoạn, giá thành sản phẩm cũng rất cạnh tranh. Về phía DN trong nước, phần lớn đều có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Việc tiếp cận công nghệ cao, đổi mới dây chuyền sản xuất còn hạn chế do nội lực vốn yếu. Mặt khác, quá trình hình thành DN còn non trẻ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh không cao. Cộng hết những yếu tố trên, đủ để thấy sẽ rất khó với những DN của chúng ta muốn chen chân vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa DN Việt không tham gia được. Công ty hiện đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung và một số DN khác của Nhật Bản. Để được vậy, công ty phải chủ động đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và đặc biệt là giảm tỷ lệ hàng lỗi để cạnh tranh được về giá thành sản phẩm. Việc chủ động đổi mới đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ từ ban lãnh đạo công ty, thay vì chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.  

BÙI THỊ HƯƠNG, Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Gia tăng năng lực cạnh tranh

Năm 2019, kinh doanh xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Vinamilk đã mở rộng lên con số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. 3 thị trường có hiệu quả tích cực nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.  

Nhìn nhận về tiềm năng phát triển cũng như gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020, về phía Vinamilk tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống nhằm tạo sự ổn định doanh thu xuất khẩu. Song song đó, gia tăng nhận diện toàn cầu, thực hiện chuyển hướng đầu tư mạnh hơn vào các khu vực khác, trong đó có châu Phi, Đông Á.

Đối với thị trường nội địa, Vinamilk vẫn tập trung với chiến lược đặt ra, liên tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà máy, vùng nguyên liệu, đưa ra những sản phẩm mới với chất lượng quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Trên thực tế, việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại quốc tế của Chính phủ, kết hợp với thông tin đầy đủ đã giúp DN chủ động phương án kinh doanh phù hợp. Quan trọng hơn, DN nắm bắt và ứng phó kịp thời các rào cản thương mại, đáp ứng yêu cầu liên quan đến các hoạt động như kiểm dịch, y tế quốc tế hay chứng nhận xuất xứ hàng hóa… 

Trong thời gian tới, để hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu được thuận lợi hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, tổ chức diễn đàn kết nối DN Việt Nam với DN nước ngoài để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đối tác, thị trường mới cho DN trong nước. Mặt khác, tổ chức các buổi tập huấn giúp DN nâng cao nhận thức, kịp thời nắm bắt thông tin và hướng dẫn thực thi các FTA để DN hiểu sâu hơn, từ đó tận dụng lợi thế hiệu quả hơn.

Các tin khác