Cổ phần hóa DNNN: Chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt

(ĐTTCO) - Tiến độ triển khai cổ phần hóa (CPH) DNNN, thoái vốn trong năm 2018 còn chậm, đã vậy nhiều đơn vị chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện. Trao đổi với ĐTTC ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, cho rằng có liên quan đến vấn đề đất đai cũng như phải xử lý những tồn tại trước đó.

Sợ nhất vướng đất đai
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông việc chậm CPH DNNN lặp đi lặp lại vài năm gần đây dù Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt?
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Theo kế hoạch, năm 2018 cả nước phải CPH 64 DN nhưng hết năm chỉ thực hiện được 23 DN. Điều này đang tạo áp lực cho năm 2019 khi phải CPH 18 DNNN và hơn 40 DN chưa CPH năm 2018 chuyển sang. Nếu không có biện pháp quyết liệt, kế hoạch CPH sẽ không hoàn thành.
Việc chậm trễ CPH DNNN có lý do khách quan, như DN quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước, nhất là đất đai. Do quy mô lớn nên tồn tại tài chính phức tạp. Thí dụ, Agribank có hệ thống trải dài khắp cả nước, dù đã khởi động 1 năm rưỡi nhưng phương án sử dụng đất chưa hoàn thành theo quy định nên chưa CPH được.
Hay việc chậm CPH MobiFone vì những tồn tại phải xử lý trong thương vụ mua cổ phần của AVG. Nhưng trong khách quan cũng có chủ quan do con người làm sai. Theo quy định, phương án sắp xếp sử dụng đất đai do địa phương phê duyệt kế hoạch, mục đích sử dụng đất, nếu địa phương không quyết liệt làm, sẽ làm chậm DN CPH. 
Cổ phần hóa DNNN: Chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt ảnh 1
Về lý do tiến độ thực hiện thoái vốn diễn ra chậm do các DN có khoản đầu tư lúng túng khi thoái vốn. Thí dụ, dự án bất động sản thua lỗ nên thoái không dễ. Như Nhà máy Bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy đấu giá 3-4 lần không có nhà đầu tư mua.
Hay Tổng công ty Thép muốn thoái vốn ở dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, phải xử lý tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư. Những vấn đề này mang tính khách quan, không thể xử lý một sớm một chiều được.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm sức hút đối với nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của CPH.
- Vậy việc xử lý những vướng mắc này sẽ theo hướng nào?
- Trong bán cổ phần, thoái vốn, điều quan trọng nhất việc bán phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Nghĩa là nếu anh đầu tư sai, đẩy giá từ 10 đồng lên 20 đồng, khi đó người làm sai phải đền bù. Giá trị chỉ 10 đồng không thể nói đầu tư 20 đồng được. Còn công khai, minh bạch là để thị trường định giá, trả giá.
Thí dụ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đòi bán 1.000 tỷ đồng sẽ rất khó, vì dự án chưa đi vào hoạt động. Nhiều nơi kêu vướng khi thực hiện, nhưng khi được hỏi đã đọc thông tư hướng dẫn chưa, họ đọc lại hóa ra không vướng. Một số bộ, ngành, địa phương thoái vốn chậm tập trung vào DN có đất đai nhiều như Bộ Xây dựng, Bắc Giang, Hải Phòng...
Hay việc tiền thoái vốn Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được hơn 109.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước được đồng nào? Tiền thu từ CPH, cơ bản dành gần 80% chuyển sang cho cân đối ngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản. Quốc hội đã duyệt nguồn thu từ CPH, thoái vốn 250.000 tỷ đồng. Do vậy, năm 2019 phải quyết liệt thoái vốn, CPH, ít nhất làm được một nửa kế hoạch mới đảm bảo nguồn cho năm 2020. Điều đó sẽ tạo áp lực đáng kể cho việc CPH, thoái vốn của các bộ, ngành, địa phương.

Khi CPH phải lên UPCoM
- Vừa qua, có thực tế nhiều DN chậm niêm yết làm ảnh hưởng tính công khai minh bạch của thị trường. Giải pháp cho xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi đã rà soát và thấy rằng nhiều DN CPH xong không đủ điều kiện niêm yết, nhưng theo quy định vẫn bắt buộc phải lên sàn đăng ký giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).
Sở dĩ vừa qua việc chậm lên sàn do quy định ban hành chưa chặt. Để khắc phục, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 13 (sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM) quy định rõ về vấn đề này.
Theo đó, DN khi CPH coi như công ty đại chúng, phải lên UPCoM, còn đủ điều kiện niêm yết tuân thủ theo Luật Chứng khoán. Lên UPCoM rồi sẽ đốc thúc để DN đáp ứng các điều kiện niêm yết. 
Chúng tôi sẽ cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các bộ, ngành rà soát DN và đôn đốc DN sau CPH phải gắn với niêm yết. Khi niêm yết có thị trường rồi việc định giá cũng dễ hơn, thoái vốn có giá tham khảo, tránh được tình trạng đưa ra giá khởi điểm cao hay thấp. Kinh nghiệm cho thấy nếu không có biện pháp hành chính DN còn né, không muốn lên sàn.
Trước đây nguyên tắc là quyết toán CPH rồi bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng như thế sẽ chậm. Vì vậy, gần đây áp dụng cách chuyển về SCIC để ủy ban tiếp tục xử lý. Như vốn nhà nước ở Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bàn giao SCIC, tiến độ chốt sổ để quyết toán rất nhanh.
Khi quyết toán có nhiều vấn đề phải xử lý và xử lý được là tăng thêm vốn cho Nhà nước (như với trường hợp của Vinatex về SCIC ngân sách tăng thu thêm 1.000 tỷ đồng từ di dời trụ sở…). SCIC là DN có đủ kinh nghiệm, bộ máy, quy trình và công cụ để thực hiện việc đó, và do là DN nên tính chịu trách nhiệm của SCIC hơn hẳn các bộ, ngành, vì thế các quyết định đưa ra nhanh hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH, đã làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Các tin khác