Có thể hạn chế xuất khẩu phân bón

(ĐTTCO)-Bộ Công thương đang nghiên cứu quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để đề xuất biện pháp liên quan thuế nhằm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu một số phân bón trong nước để bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân.
Bộ Công thương sẽ đề xuất chính sách mạnh hơn để quản lý thị trường phân bón. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp phân bón lớn phía Nam - Ảnh: N.AN
Bộ Công thương sẽ đề xuất chính sách mạnh hơn để quản lý thị trường phân bón. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp phân bón lớn phía Nam - Ảnh: N.AN

Nếu như cách đây hơn 1 tháng, Cục Hóa chất (Bộ Công thương) còn cho rằng chưa đủ cơ sở tạm ngừng xuất khẩu phân bón để bình ổn thị trường phân bón trong nước khi Tuổi Trẻ phản ánh, nay tình hình đã thay đổi.

Áp dụng biện pháp thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất - cho hay để có giải pháp tháo gỡ, "hạ nhiệt" giá phân bón, Bộ Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn để nắm bắt cung cầu thị trường. Bộ cũng lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, làm cơ sở để trong tuần này báo cáo Thủ tướng nhằm sớm có giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

Với một số ý kiến đề xuất về việc tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón ("Cần tạm ngưng xuất khẩu phân bón", Tuổi Trẻ ngày 30-6), ông Thanh cho hay Việt Nam đang là thành viên WTO nên mọi hành vi can thiệp thị trường liên quan dừng/hạn chế xuất khẩu đều bị vi phạm với WTO. Vì vậy, với một số mặt hàng phân bón trong nước đang thiếu cần hạn chế xuất khẩu thì chỉ áp dụng các biện pháp gián tiếp phù hợp quy định WTO và trước khi thực hiện phải xin ý kiến Thủ tướng.

"Bộ trưởng Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cho Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên nghiên cứu kỹ các quy định của WTO để có cơ sở giải trình với Thủ tướng, đề xuất biện pháp áp dụng và giao cho Bộ Tài chính là đơn vị có trách nhiệm quản lý liên quan đến thuế thực hiện việc hạn chế xuất khẩu" - ông Thanh cho hay.

Đồng thời, hiện Cục Xuất nhập khẩu cũng nghiên cứu cơ chế xuất nhập khẩu tự động, vốn được thực hiện vào năm 2016 khi thị trường phân bón bị khan hiếm. Với cơ chế này khi được áp dụng sẽ giúp kiểm soát việc nhập khẩu phân bón trong điều kiện thị trường có nhiều biến động.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại cũng tiến hành các biện pháp rà soát áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP. Hiện đang ở giai đoạn rà soát, đánh giá cuối kỳ để làm cơ sở cho việc áp thuế phù hợp với tình hình thị trường và quy định của WTO. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách khi thị trường tiếp tục có diễn biến bất thường, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng sẽ vào cuộc, lên tiếng để bảo vệ người tiêu dùng và nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Kiểm soát chặt giá cả thị trường

Cùng với báo cáo dự kiến trình Chính phủ trong tuần này, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cập nhật lại nhu cầu sử dụng phân bón từng mùa, từng miền, từng loại phù hợp với các loại cây trồng để cung cấp thông tin cho các bộ ngành khác và kiểm soát được việc sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng phối hợp để nghiên cứu áp dụng mức thuế suất với một số phân bón đang thiếu để hạn chế xuất khẩu.

Thông tin cho Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho hay đã có chỉ đạo cục quản lý thị trường các địa phương và các đơn vị nghiệp vụ triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề với riêng mặt hàng này. Theo đó, sẽ kiểm tra các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón từ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đến thực hiện quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…

Giá tăng do nguồn cung khan hiếm

Theo văn bản chỉ đạo kiểm soát phân bón của Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua diễn biến giá phân bón có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm... Do đó, không chỉ yêu cầu cục quản lý thị trường các địa phương kiểm tra chuyên đề, Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các đơn vị thu thập thông tin, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, đầu cơ…

Các tin khác