Covid-19 lần thứ 4 bủa vây doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 trở lại lần thứ 4 buộc TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 6, khiến các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, đồng hành và hỗ trợ DN lúc này đang rất được quan tâm. 
Covid-19 lần thứ 4 bủa vây doanh nghiệp
Vừa làm vừa lo
Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp như giãn cách cán bộ công nhân viên tại văn phòng và xưởng sản xuất, hạn chế đi lại gặp mặt trong nội bộ, thành lập ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 trong DN.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV, cho biết: “Giãn cách làm giảm năng suất lao động nhưng là biện pháp an toàn. Nếu không may Covid -19 xâm nhập sẽ khó nói trước hậu quả”. 
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM bày tỏ, năm ngoái dệt may bị ảnh hưởng nặng do thiếu nguyên liệu cũng như tắc đầu ra ở những thị trường nhập khẩu chính. Năm nay phần lớn DN đều có đơn hàng đến hết quý III thậm chí đến cuối năm, trong khi dịch lại bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Nếu DN bị dịch xâm nhập phải tạm ngưng sản xuất, khả năng đền hợp đồng cho khách rất lớn. 
Tương tự, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho biết các DN sản xuất, xuất khẩu da giày hiện nay rất căng thẳng. Ngành da giày đang vào mùa, đơn hàng nhiều, thời gian giao hàng cũng ấn định nhưng nay tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách khả năng cao không kịp tiến độ giao hàng.
Nhưng dù khó DN cũng phải nghiêm túc thực hiện quy định, vì nếu chủ quan không may dịch bùng phát tại DN, hậu quả sẽ khôn lường. 
Có thể thấy trong suốt mấy tuần qua, hầu hết DN ở TPHCM đều trong trạng thái vừa làm, vừa lo. Tại buổi gặp với lãnh đạo TPHCM mới đây, đại diện Saigon Coop cho biết khó khăn lớn nhất thời điểm này là nguy cơ khách hàng diện F đến mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm ngưng hoạt động. Trên thực tế Saigon Coop đã phải tạm ngưng 6 cửa hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của toàn hệ thống. 
Không chỉ lo dịch xâm nhập, bối cảnh hiện nay còn khiến nhiều sản phẩm, dịch vụ tắc đầu ra do nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty Thiên Nhiên Việt (chuyên làm bột rau sấy lạnh), cho biết do sản phẩm còn khá mới nên dịch khiến doanh số sụt giảm hơn 50%. Đầu hàng xuất khẩu đi châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu đầu ra ách tắc phải ngưng sản xuất, nhiều diện tích rau sạch của Thiên Nhiên Việt chưa biết xử lý ra sao. 

Hỗ trợ đúng cái DN cần
Việc vừa sản xuất, kinh doanh vừa thấp thỏm lo âu dịch xâm nhập là điều không DN nào muốn nhưng vẫn phải đối mặt. Đó là lý do nhiều DN, nhất là nhóm DN sử dụng nhiều lao động bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận nguồn vaccine.
Ông Đỗ Phước Tống cho rằng chỉ khi được tiêm vaccine nỗi lo mới giảm, DN mới an tâm sản xuất kinh doanh. Còn ông Phạm Xuân Hồng cho biết các DN dệt may rất mong mỏi được sớm tiếp cận nguồn vaccine. Một thông tin tích cực là Chính phủ đã cho phép DN TPHCM chủ động tiếp cận, mua, nhập và sử dụng vaccine phòng Covid-19. 
Theo Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), kết quả khảo sát nhanh 100 DN bằng hình thức online trong đợt dịch lần thứ 4 này, có đến 84% DNNVV cho biết gặp khó khăn. Trong đó, 40% DN thiếu vốn kinh doanh, 80% phải thu hẹp hoạt động, 52% phải cắt giảm lao động. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là việc tiếp cận vốn vay và các chính sách hỗ trợ DN.
Bởi lẽ gói hỗ trợ lần thứ nhất tỷ lệ hấp thụ của DN rất thấp do thủ tục tiếp cận vốn vay, hỗ trợ phức tạp. Đơn cử, ngành du lịch bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch ập đến, nhưng số lượng DN tiếp cận được hỗ trợ rất khiêm tốn. Theo Sở Du lịch TP, trong năm 2020 chỉ 10/50 DN lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Mới đây, Sở Du lịch TPHCM đề xuất UBND TP các giải pháp hỗ trợ DN du lịch bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó tập trung hỗ trợ tài chính để DN du lịch duy trì bộ máy vận hành, giữ chân người lao động. Sở đề xuất UBND TP xem xét trình HĐND TP chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TPHCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp), với lãi suất vay 0% cho DN du lịch.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, cho rằng đây là ý tưởng tốt. Lâu nay để tiếp cận được các nguồn vốn vay không cần tài sản thế chấp thủ tục rất phức tạp. Có một giải pháp đơn giản hơn là cho DN vay lại tiền ký quỹ của chính mình. Giải pháp này DN, hiệp hội kiến nghị rất nhiều lần nhưng vẫn không được hồi đáp.
Theo ông Huê cần có cuộc điều tra cụ thể chi tiết xem DN khó khăn ra sao, phân loại DN mới hay hoạt động lâu năm…  từ đó việc hỗ trợ DN mới thực sự hiệu quả. Trong cuộc họp với DN cách đây ít lâu, TPHCM cho biết sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, nhiều DN rất phấn khởi. Song từ đề xuất đến khi được thông qua vẫn còn một khoảng thời gian.
Dịch không chỉ ảnh hưởng đến các DN sản xuất, kinh doanh còn tác động mạnh đến các tiểu thương tại nhiều chợ truyền thống, hộ kinh doanh khi phải ngừng buôn bán trong bối cảnh giãn cách xã hội. Vì vậy việc hỗ trợ những nhóm đối tượng này cũng đang được TP quan tâm. Hiện Sở Công Thương đề nghị Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TPHCM trình HĐND TP chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp các thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống.
Cụ thể, đề xuất hỗ trợ tiểu thương bằng hình thức ngân sách nhà nước chi hỗ trợ trực tiếp đến các thương nhân, thời gian hỗ trợ từ tháng 7 đến hết tháng 12-2021. Phạm vi áp dụng của gói hỗ trợ này là tất cả chợ truyền thống trên địa bàn TP, bao gồm chợ đầu tư bằng ngân sách lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách.
Mức hỗ trợ sẽ chia theo từng hạng chợ, tương ứng 50% mức thu phí chợ tối đa theo Quyết định 24 của UBND TPHCM. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 76 tỷ đồng.

Các tin khác