Cửa hàng tiện lợi dần thay thế tiệm tạp hóa

(ĐTTCO) - Như ĐTTC số ra ngày 8-10-2018 trên chuyên mục Chủ điểm sự kiện đã có bài: “Cửa hàng tiện lợi – Muốn quả ngọt phải nuốt đắng” tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về mô hình cửa hàng tiện lợi (CHTL) đang là xu thế phát triển ở Việt Nam và luôn được đánh giá là tiềm năng nhưng còn đó nhiều thách thức. 
Cửa hàng tiện lợi dần thay thế tiệm tạp hóa
Để “người trong cuộc” nhận định điều này ra sao, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Ju Young Yun, Giám đốc Vận hành Công ty TNHH GS25 Vietnam, cũng là mô hình CHTL ở Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Ông có đánh giá thế nào về sự thay đổi trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam, nhất là ở các TP lớn như TPHCM và Hà Nội trong vài năm trở lại đây?
Ông Ju Young Yun: - Với mức độ tập trung dân cư đông đúc hiện nay tại TP Hà Nội và TPHCM, chứng tỏ đây là thị trường vô cùng năng động, giàu tiềm năng, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi và biến động từng ngày với đa dạng các đối tượng khách hàng khác nhau; mua sắm theo nhu cầu và tiện lợi đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay. Khách hàng khi đến mua sắm họ quan tâm đến sự đa dạng hàng hóa tại cửa hàng, để có thể lựa chọn theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Với số dân nhập cư ngày càng tăng, lối sống bận rộn, quy mô gia đình thu hẹp, đã dẫn người dân ưa chuộng các hình thức mua sắm tiện dụng, các cửa hàng có quy mô vừa và nhỏ nhưng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống. Trong số đó, nhóm đối tượng khác hàng đang dẫn dắt chính là thế hệ Z (những người được sinh từ giữa nửa cuối của những năm 1990 đến giữa những năm 2000).
Theo một số báo cáo, 13.000 tỷ đồng là số tiền mà thế hệ Z dành ra mỗi tháng để chi cho khoản ăn uống, họ là những người có đủ khả năng và điều kiện tiếp xúc với các xu hướng mới nhất toàn cầu, đề cao sử dụng các mô hình dịch vụ mới, hiện đại, tiện dụng, nhu cầu thể hiện bản thân thúc đẩy họ nhanh chóng tìm đến sử dụng các dịch vụ khác biệt so với mô hình truyền thống.
- Chiến lược phát triển của chuỗi GS25 tại thị trường Việt Nam trong những năm sắp tới ra sao? Theo ông đâu là những khó khăn khi phát triển chuỗi CHTL tại thị trường Việt Nam? 
- GS25 là thương hiệu độc lập đầu tiên tại Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1990, đại diện tiêu biểu cho hệ thống CHTL của Hàn Quốc với hơn 13.000 cửa hàng và chiếm hơn 30% thị phần bán lẻ. Đầu năm 2018, GS25 ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với kế hoạch trong 10 năm sẽ mở hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.
Cửa hàng GS25 hướng đến nhóm khách hàng trẻ, những người bận rộn với công việc và cần những dịch vụ nhanh gọn, chuẩn mực và tiện lợi. GS25 phục vụ tất cả nhu cầu cá nhân cần thiết của khách hàng, kể cả các dịch vụ cộng thêm như rút tiền, thanh toán các dịch vụ, chuyển phát thư...
Điểm khác biệt và cũng là ưu thế lớn nhất của GS25 là thực phẩm an toàn và dịch vụ thân thiện đến từ Hàn Quốc. Nhưng GS25 cũng tập trung phát triển liên tục sản phẩm mới phù hợp với văn hóa Việt để có thể tiếp cận và đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Cửa hàng tiện lợi dần thay thế tiệm tạp hóa ảnh 1 Đầu năm 2018, GS25 ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Nói về khó khăn lớn nhất hiện nay theo tôi là chi phí mặt bằng, vận hành cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội đang khá cao, trong khi sức mua của người dân không ổn định dễ dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư.
- Trước khi GS25 có mặt những thương hiệu lớn từng đặt những mục tiêu khá tham vọng về phát triển chuỗi cửa hàng của mình. Song đến nay họ lại đang đi chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Điều này có làm cho GS25 phải cân nhắc về mục tiêu của mình? 
- Có nhiều người nhận định CHTL hiện đang nở rộ như “nấm mọc sau mưa”, các thương hiệu đang tranh nhau “xâu xé” thị phần nên doanh thu và lợi nhuận không được khả quan và ngày càng dậm chân tại chỗ.
Nhưng theo tôi, nếu so sánh con số gần 4.500 CHTL hiện đại với 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam, thì mô hình kinh doanh CHTL vẫn rất khả quan và giàu tiềm năng. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, tốc độ phát triển của thị trường CHTL tại Việt Nam đang dẫn đầu trong giai đoạn 2017-2021, cho thấy mô hình kinh doanh hiện nay vẫn rất giàu tiềm năng và không ngừng phát triển, thay thế các mô hình bán lẻ truyền thống trong nước.
Do vậy, GS25 không chỉ phát triển rộng khắp các cửa hàng trên toàn quốc mà không ngừng đầu tư chất lượng, cải thiện dịch vụ và tích hợp nhiều tính năng, dịch vụ tiện lợi để dần thay đổi thói quen của khách hàng sang sử dụng các CHTL.
- Có ý kiến cho rằng CHTL tại Việt Nam vẫn chưa thắng được các cửa hàng tạp hóa do giá bán hàng hóa còn cao, mặt hàng chưa có nhiều tính khác biệt? Ông nhận định ra sao về ý kiến này?
- Trong giai đoạn hiện nay, có lẽ mô hình CHTL và tạp hóa truyền thống vẫn song song tồn tại, nhưng về tầm nhìn dài hạn tương lai, chắc chắn khách hàng sẽ chuyển hẳn trọng tâm về các kênh phân phối hiện đại như CHTL.
Lớp dân số trẻ hiện nay (học sinh - sinh viên, lao động tri thức trẻ) đã hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ tiện ích, nhanh chóng tại CHTL. Các đối tượng dân cư khác cũng dần quen và ghé CHTL để trải nghiệm các tiện ích, dịch vụ tổng hợp mà không phải đi đâu xa, đi nhiều điểm khác nhau.
Có thể nói, yếu tố “giá cả” hiện nay tuy quan trọng, nhưng đã không phải là tiêu chí quan tâm hàng đầu của khách hàng. Người ta ưa chuộng sự tiện lợi, mong đợi trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp, mang lại nhiều tiện ích.
Như vậy có thể nói “đa dạng hàng hóa” và “chất lượng hàng hóa” chính là thứ tạo nên sự khác biệt cho CHTL mà các cửa hàng tạp hóa truyền thống khó sánh kịp. Rõ ràng hai phân khúc này hoàn toàn khác nhau, phục vụ các đối tượng khách hàng và nhu cầu khác nhau, nên tôi không nghĩ đây là “cuộc chiến” giữa CHTL hiện đại và tạp hóa truyền thống.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác