Cứu các ngành công nghiệp chủ lực TPHCM khỏi phát triển ì ạch

(ĐTTCO)- 4 ngành công nghiệp trọng của TP HCM vẫn đang phát triển ì ạch và nhiều lực cản, chưa có sản phẩm chủ lực nào mang thương hiệu riêng.
Cơ khí là ngành công nghiệp trọng yếu được TPHCM thúc đẩy phát triển (ảnh minh họa: KT)
Cơ khí là ngành công nghiệp trọng yếu được TPHCM thúc đẩy phát triển (ảnh minh họa: KT)

Thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều đầu tư cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin để tạo đà phát triển.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, 4 ngành công nghiệp trọng yếu này vẫn đang phát triển ì ạch và nhiều lực cản, do đó chưa có sản phẩm chủ lực nào mang thương hiệu riêng cho thành phố.

Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Ngành cơ khí được coi là một trong bốn ngành công nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh, thế nhưng bao năm nay, ngành này đang chịu nhiều bất công về thuế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu vốn. Doanh nghiệp cơ khí của thành phố đang thua kém sức cạnh tranh so với máy móc nhập khẩu trên thị trường và dường như chưa có một sản phẩm nào mang thương hiệu cơ khí của thành phố. 

Không chỉ riêng ngành cơ khí mà các ngành công nghiệp chủ lực khác cũng đang gặp khó. Bởi trong số hơn 10.200 doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn doanh nghiệp lớn với điều kiện trên 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình hỗ trợ vốn, tuy nhiên số doanh nghiệp trong 4 nhóm ngành này được vay vốn còn rất khiêm tốn. Đơn cử từ năm 2016 đến nay, chỉ có 23 trong số hơn 10.200 doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực tiếp cận chương trình kích cầu với số vốn vay trên 600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, thiếu kinh nghiệm quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh chưa bài bản từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến khâu hậu mãi…. nên khó cạnh tranh phát triển ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, giá thuê đất, chi phí mặt bằng tại thành phố còn cao; doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Do đó, theo ông Đỗ Phước Tống, các ngành công nghiệp chủ lực khác đang rất cần cơ chế hỗ trợ của chính quyền thành phố để phát triển.

Hiện nay Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp phát triển, đồng thời mở phòng trưng bày các sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ, trong đó có nhiều doanh nghiệp chủ lực.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc kết nối này chưa hiệu quả bởi ngành công thương đang làm theo kiểu đại trà không chọn lọc để đầu tư.

Ông Trần Được, Giám đốc Marketing của Công ty Điện Bích Hạnh đề nghị Trung tâm hỗ trợ DN nên có sự tìm hiểu giữa các doanh nghiệp trong nước và có sự chọn lọc giữa các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nhà đầu tư. Sau đó,  nên thông tin đến các doanh nghiệp đầy đủ hơn và lấy lại phản hồi từ các doanh nghiệp muốn kết nối.

Bàn về phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành công nghiệp chủ lực giai đoạn từ năm 2011 đến nay là 17,27%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này chưa xứng với tiềm năng và chưa phát huy lợi thế của thành phố.

Đặc biệt là doanh nghiệp chủ lực của thành phố ngoài những cái khó về vốn, cơ sở pháp lý trong thực thi chính sách, thiếu mặt mặt bằng sản xuất, lao động phần lớn chưa qua đào tạo, thì doanh nghiệp còn thiếu thông tin, thiếu tính liên kết trong sản xuất và chưa nắm bắt được công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng công nghệ kỹ thuật cao. Chính vì vậy việc kết nối cho doanh nghiệp tăng cường xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ là vấn đề cần phải tăng cường làm ngay, ông Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh.

Cùng với những kết nối này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan một cách đồng bộ nhằm chủ động giải quyết nhanh các thủ tục để hỗ trợ các doanh nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố phát triển./.

Các tin khác