Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh 'bão giá'

(ĐTTCO)-Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao tiêu chí chất lượng, đáp ứng các thị trường "khó tính," việc tận dụng các thị trường gần như Lào, Campuchia, Thái Lan... là điều cần thiết.
Thông quan qua cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Thông quan qua cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Mặc dù hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ nhưng các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đang xuất hiện. Điều này xuất phát từ việc thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động từ xung đột Nga-Ukraine cùng tình hình dịch bệnh bùng phát và chủ trương "Zero COVID" tại Trung Quốc.

Do đó, để giảm sự lệ thuộc vào một số thị trường, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm khách hàng mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nguồn cung ứng chậm lại

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc quốc gia này vẫn đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Thực tế cho thấy mặc dù đơn hàng xuất khẩu dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định, song các ngành sản xuất chủ yếu đang phải gồng mình trong cơn “bão giá” vì hầu hết các chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao, do tác động kép từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và chi phí đầu vào gia tăng quá mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào có tỷ trọng nguyên liệu mua trong nước cao sẽ thuận lợi hơn.

Lý do là hầu hết các ngành nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước này đang thực hiện chính sách Zero COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị chậm lại. Không những thế, có thời điểm đã xảy ra ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua.

Mặt khác, xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc còn vướng mắc bởi nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu tiểu ngạch, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hơn nữa, hạ tầng giao thông và các dịch vụ logistics còn hạn chế nên nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được tháo gỡ kịp thời.

Tìm kiếm thị trường mới
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, chia sẻ để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là thanh long, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để khuyến cáo và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa khi thu hoạch rộ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, trong đó, chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Trong khi đó, trước những khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa giai đoạn từ 2012-2025, ngoài Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc Nhật Bản, tỉnh Sơn La vẫn coi Campuchia là một thị trường xuất khẩu nhãn, mận tiềm năng.

Thực tế cho thấy đã có nhiều hợp tác xã trồng cây ăn quả ở Sơn La xuất khẩu nông sản thành công sang Campuchia. Chẳng hạn như Hợp tác xã xây dựng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấn Yên liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu mận; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm xuất khẩu nhãn...

Theo các chuyên gia, Campuchia là một thị trường gần với Việt Nam nhưng không ít hợp tác xã lại bỏ qua thị trường này 

Điểm thuận lợi trong xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang Campuchia là quãng đường vận chuyển hàng ngắn và có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng.

Ngoài Campuchia, Lào cũng được đánh giá là một thị trường gần, giàu tiềm năng đối với nông sản, hàng hóa. Hợp tác xã Thủy sản Thanh Chăn (Điện Biên) có diện tích ươm nuôi thủy sản lên đến gần 5ha và thị trường tiêu thụ cá giống chủ yếu là các huyện vùng ngoài lòng chảo Điện Biên và xuất sang Lào, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Trần Văn Yên, Giám đốc Hợp tác xã Thuy sản Thanh Chăn cho biết Lào và Việt Nam hiện có 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, 8 cặp cửa khẩu quốc tế, có 10 tỉnh giáp biên. Điều này giúp giao thương thuận lợi, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á và thế giới.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao tiêu chí chất lượng, đáp ứng các thị trường "khó tính," việc tận dụng các thị trường gần như Lào, Campuchia, Thái Lan... là điều cần thiết. Bởi lẽ, thị trường đầu ra cho hàng hóa luôn có nhiều biến động, nhất là khi dịch COVID-19 xảy ra, cước vận tải xuất đi các nước trên thế giới chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt."

Bên cạnh đó, tỷ lệ nông sản chưa qua chế biến của Việt Nam hiện còn cao, khoảng 65%, nên việc xuất khẩu tươi sang các thị trường gần sẽ phần nào giải quyết được bài toán được mùa mất giá, giảm chi phí vận chuyển, phù hợp điều kiện đầu tư, từ đó từng bước tăng sức cạnh tranh.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương lưu ý các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài.

Da dang hoa thi truong, day manh xuat khau trong boi canh 'bao gia' hinh anh 2
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Bên cạnh đó, Bộ theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định, lâu dài.

Các tin khác