Đại gia Việt 'viễn chinh' mùa Covid-19: Kẻ hụt hơi, người thu trái ngọt nghìn tỷ đồng

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 giáng một đòn chí mạng xuống kinh tế toàn cầu, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Công ty Telecom International Myanmar (Mytel) thuộc Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel.
Công ty Telecom International Myanmar (Mytel) thuộc Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Trong điều kiện kinh doanh bình thường, nhiều đại gia Việt đã thu về nghìn tỷ, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 giáng một đòn chí mạng xuống kinh tế toàn cầu, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Hụt hơi ở thị trường nước ngoài

Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (mã chứng khoán VGI) - một công ty con của Tập đoàn Viettel, có ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, vận hành các mạng viễn thông ở nước ngoài và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có liên quan. VGI hiện có 12 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động tại các thị trường như Đông Timor, Campuchia, Mozambique, Haiti, Burundi, Tanzania, Lào, Myanmar.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 9.811 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, VGI ghi nhận khoản lỗ 1.777 tỷ đồng từ các công ty liên kết dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, còn 454 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30-6-2021, VGI đã đầu tư 4.551 tỷ đồng vào 3 công ty liên kết gồm Viễn thông Star (STL, Lào), Metcom (Campuchia), Telecom International Myanmar (Mytel). Tuy nhiên, cổ tức công bố âm 5.016 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài dẫn đến khoản đầu tư này còn 1.521 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Mytel được ghi nhận bằng 0 do ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá dẫn đến âm vốn chủ sở hữu của Mytel.

Tại báo cáo soát xét, kiểm toán đã đưa ra kết luận, ngoại trừ với khoản đầu tư góp vốn vào Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR). Cụ thể, tại ngày 30-6-2021, Tổng công ty có số dư phải thu khách hàng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác với VCR tổng số tiền 8.330 tỷ đồng. Tổng công ty đã đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu trên và thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản phải thu VCR với số tiền 4.331 tỷ đồng.

Đại gia Việt 'viễn chinh' mùa Covid-19: Kẻ hụt hơi, người thu trái ngọt nghìn tỷ đồng ảnh 1
Kiểm toán cho biết, không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc đánh giá khả năng thu hồi của Ban tổng giám đốc về khoản phải thu từ VCR dẫn đến đưa ra ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất 6T năm 2020.

“Tại ngày phát hành báo cáo soát xét này cũng không thể thu nhập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến vấn đề này do đó, không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu trên báo cáo của 6T năm 2021 hay không”, kiểm toán nhấn mạnh.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - một công ty hoạt động chính yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều năm đầu tư vào các thị trường nước ngoài như Lào, Myanmar, Campuchia. Những năm trước đó, HAG vốn đã hoạt động khó khăn nhưng đại dịch Covid-19 thêm một cú bồi khiến tình hình kinh doanh càng sa sút. 

Riêng năm 2020, HAG lỗ sau thuế 2.383 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức khi đó cho rằng, dịch Covid-19 phức tạp trên toàn thế giới đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa đều bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đi lại giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia nhiều khó khăn làm cho quá trình đầu tư và sản xuất hàng hóa bị hạn chế, sản lượng sản xuất không đạt được kế hoạch đề ra.

Covid-19 cũng làm giá bán sản phẩm giảm nhiều, đồng thời chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa lại tăng làm cho tỷ suất lợi nhuận quá thấp.

Đến 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng của HAG tiếp tục giảm mạnh, từ 1.483 tỷ đồng năm ngoái còn 832 tỷ đồng năm nay, lợi nhuận gộp còn 108 tỷ đồng, giảm 74%. Trong đó, doanh thu bán trái cây giảm 74% còn 313 tỷ đồng. Lỗ trong các công ty liên kết 5,8 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh chủ yếu đến từ việc lãi thanh lý Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), dẫn đến lợi nhuận trước thuế 8,3 tỷ đồng.

Đại gia Việt 'viễn chinh' mùa Covid-19: Kẻ hụt hơi, người thu trái ngọt nghìn tỷ đồng ảnh 2 Lỗ lũy kế của HAG tính đến 31-6 là 7.371 tỷ đồng khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Tuy vậy, lỗ lũy kế của HAG tính đến 31-6-2021 là 7.371 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm. Khoản lỗ này của HAG đã khiến kiểm toán viên đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Tương tự, tại Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG), kinh doanh chính trong lĩnh vực cây ăn trái, bò thịt, công trình xây dựng công nghiệp với địa bàn sản xuất kinh doanh của HNG nằm trong khu vực tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng so với quý I-2021.

Chi phí nhân công tăng cũng do ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến lao động địa phương bị ảnh hưởng.

Những điều này dẫn đến doanh thu 6 tháng đầu năm 512 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ trong 6 tháng qua ghi nhận 122 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 11 tỷ đồng.

Đối với tiến độ dự án sân bay NongKhang hiện đã hoàn thành 92,34% tuy nhiên thực tế phát sinh một số khối lượng công việc so với hợp đồng và dịch Covid-19 dẫn đến tiến độ hoàn tất chậm hơn dự kiến. Công ty sẽ gấp rút để hoàn thiện và bàn giao cho Chính phủ Lào.

Không đến mức thua lỗ, song một doanh nghiệp khác có thâm niên đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn FPT, cũng ghi nhận đà tăng trưởng chậm lại tại các thị trường nước ngoài do Covid-19.

6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của FPT là 2.410 tỷ đồng, tăng 19% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư trực tuyến của FPT, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, doanh thu từ thị trường châu Âu và Nhật Bản chỉ tăng lần lượt 6% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đến từ một phần do tình trạng giãn đoạn kéo dài do Covid-10.
Đại gia Việt 'viễn chinh' mùa Covid-19: Kẻ hụt hơi, người thu trái ngọt nghìn tỷ đồng ảnh 3
Ví dụ, các khách hàng Nhật Bản thích giao tiếp trực tiếp trong việc ký kết hợp đồng, điều này ảnh hưởng hoạt động bán hàng của FPT tại thị trường này. Tuy nhiên, FPT kỳ vọng tăng trưởng doanh thu tại Nhật Bản sẽ tăng tốc vào cuối năm 2021 khi các khách hàng Nhật Bản dần thích nghi với hoạt động kinh doanh trực tuyến, theo thông tin từ Chứng khoán Bản Việt.

Trái ngọt hiếm hoi

Việc đầu tư ra thị trường nước ngoài vốn dĩ nhiều khó khăn do khác nhau về văn hóa, con người và rủi ro luật pháp, trong bối cảnh Covid-19 khiến tình hình kinh doanh càng khó khăn hơn. Tuy vậy, không phải dự án nào cũng thua lỗ. Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp khác cho thấy đầu tư ra nước ngoài đã đem về kết quả tích cực.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) sau nhiều năm đầu tư sang thị trường Ba Lan, Campuchia, Hoa Kỳ, Lào, New Zealand, Philipines…VNM đã hái trái ngọt từ các thị trường này. 6 tháng đầu năm 2021, VNM lãi sau thuế 5.459 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số của năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu của thị trường nước ngoài tiếp tục tăng, đạt 4.476 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.008 tỷ đồng, tăng hơn 3%.

Hay PVN - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tốt trong 6 tháng đầu năm 2021. Dù không có báo cáo thuyết minh chi tiết các thị trường song trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, PVN cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 165%.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Những doanh nghiệp như PVN, VNM đã mở ra nhiều triển vọng cho doanh nghiệp Việt Nam “đánh bắt xa bờ” trong bối cảnh Covid-19 ngày phức tạp, tình hình kinh doanh trong nước vẫn kém tích cực. Đặc biệt, nhiều thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh càng khiến xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam gia tăng.

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 8 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm vốn cấp mới và tăng thêm đạt 575 triệu USD, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm trước.

Có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 302,8 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đầu tư; Campuchia 89,4 triệu USD, chiếm 15,5%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 8,3%; Canada 32,1 triệu USD, chiếm 5,58%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm khoảng 5,57%.

Các tin khác