Dịch vụ số xuyên biên giới đang bỏ ngỏ

(ĐTTCO)-Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC vừa kiến nghị Bộ TT-TT kết hợp đồng thời các biện pháp về chính sách, công nghệ và nghiệp vụ để quyết liệt xử lý tình trạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tạo môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, ngăn chặn việc thất thoát nguồn thu ngân sách. 
Những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ số như VNG cạnh tranh trong thế yếu với doanh nghiệp ngoại.
Những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ số như VNG cạnh tranh trong thế yếu với doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Dương Thế Lương, Phó Tổng giám đốc VTC, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến trong nước có điểm yếu so với doanh nghiệp nước ngoài, là không tự sản xuất được nội dung và phụ thuộc vào các nền tảng cung cấp dịch vụ của nước ngoài. 
Ngoại dễ dàng, nội khó khăn
Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngày càng chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường trò chơi trực tuyến Việt Nam tràn ngập các trò chơi phát hành xuyên biên giới, không được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của người chơi, còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh quốc gia do không kiểm soát được nội dung. 
Thực ra Bộ TT-TT đã nỗ lực giải quyết tình trạng này bằng cách làm việc với Google, Apple  và Facebook để điều chỉnh nội dung hoặc gỡ bỏ các trò chơi có biểu hiện vi phạm pháp luật. Đồng thời, cố gắng đẩy nhanh quy trình cấp phép game cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, giải pháp mới áp dụng cho game di động chưa thực sự hiệu quả. Sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn còn khoảng cách lớn. 
Trong khi các dịch vụ nội dung số trên nền tảng viễn thông, internet của nước ngoài “được vào” Việt Nam một cách khá dễ dàng, thì những dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước rất khó khăn để được cấp phép, triển khai thương mại ở ngay chính thị trường nội địa.
Trong nhiều năm qua, những doanh nghiệp trong lĩnh vực này như VTC, VNG, VCCorp… đã rất nhiều lần có ý kiến, đề nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ TT-TT có những giải pháp cụ thể, để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trên lĩnh vực này, nhưng đến nay doanh nghiệp nội vẫn yếu thế.
Liên quan đến việc quản lý dịch vụ xuyên biên giới, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom Phạm Trung Kiên, kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát thanh toán xuyên biên giới. Ông Kiên cho rằng, thanh toán xuyên biên giới đang phát triển mạnh dựa vào các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng viễn thông, thông qua điện thoại di động và internet.
Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trò chơi trực tuyến tại nước ngoài và ngược lại người nước ngoài có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua các ứng dụng CNTT như mobile app, website. Nếu các cơ quan quản lý chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ dẫn tới thất thu thuế.Thiếu quyết liệt, thất thu thuế
Trong việc cải cách Luật Quản lý thuế mới phải nghiên cứu đưa vấn đề thu thuế các tập đoàn đa quốc gia vào luật. Nếu các doanh nghiệp đa quốc gia thu lợi nhuận ở đâu phải đóng thuế ở đấy, còn thu thuế như thế nào các nhà làm luật Việt Nam phải nghiên cứu giải pháp để thu được thuế. 
Ông Nguyễn Văn Toàn
Mới đây, Bộ TT-TT chỉ ra 3 vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook, trong đó có việc Facebook hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhận tiền từ người dùng để chạy quảng cáo nhưng không nộp thuế tại Việt Nam. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, quảng cáo chi tiêu trên Facebook ở thị trường Việt Nam lên đến 235 triệu USD.
Theo thống kê, thu nhập của Facebook tại Việt Nam tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua, tuy nhiên mạng xã hội này không thực hiện nghĩa vụ thuế nào đối với Việt Nam. Cụ thể là không nộp thuế nhà thầu đối với doanh thu quảng cáo... 
Nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải có thái độ rõ ràng, quyết liệt về trách nhiệm đóng thuế của Facebook, nhằm đảm bảo môi trường bình đẳng trong kinh doanh và pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng. Đó là chưa tính đến việc Facebook không thể kiểm soát được hết nội dung thông tin, và trong nhiều trường hợp đã “tiếp tay” cho các quảng cáo, dịch vụ vi phạm pháp luật. 
Liên quan đến việc các tập đoàn công nghệ đa quốc gia cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam và đạt doanh thu lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm nhưng chưa chịu sự quản lý thuế theo pháp luật Việt Nam (như Google, Facebook), ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, theo thông lệ quốc tế các doanh nghiệp trong nước phải có giải pháp trước vấn đề này. Thí dụ các doanh nghiệp taxi Việt Nam liên kết lại với nhau để ứng dụng công nghệ tạo ra những hiệu ứng tích cực, nhằm làm chủ thị trường. 
Được biết, trong tháng 5 tới, Bộ TT-TT sẽ tổ chức diễn đàn phát triển công nghệ số Việt Nam. Đây là diễn đàn quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với mục tiêu phát triển công nghiệp Việt Nam, sản phẩm Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp tích cực tham gia và đóng góp tại diễn đàn để từ đó thảo luận, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp hiện nay gặp phải, đồng thời đưa ra các hướng đi mới với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phát triển. 

Các tin khác