Doanh nghiệp “ăn đong” nguyên liệu

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, tuy kim ngạch xuất khẩu tăng 14,2%, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng hơn 16,7%. Cán cân thương mại nhập siêu lên gần 600 triệu USD, trong đó, nhóm ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu sản xuất. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước vẫn đang phụ thuộc và “ăn đong” nguyên liệu nhập khẩu. 

Tôn nguyên liệu được nhập khẩu để sản xuất thành phẩm cung cấp cho thị trường

Tôn nguyên liệu được nhập khẩu để sản xuất thành phẩm cung cấp cho thị trường

Xuất thô nhưng nhập tinh

Theo thống kê, có đến 60%-80% nguyên liệu sản xuất của các ngành trong nước phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Không chỉ đối mặt với sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo theo giá nguồn nguyên liệu bị đẩy lên cao, nội lực doanh nghiệp trong nước vốn yếu nên phải “ăn đong” nguyên liệu theo quý. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước, có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Dẫn đầu là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, nhập siêu 5,77 tỷ USD; kế đến là chất dẻo nguyên liệu 1,7 tỷ USD; sản phẩm hóa chất là 1,1 tỷ USD; hóa chất gần 1 tỷ USD; xăng dầu 848 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày là 665 triệu USD; sắt thép là 602 triệu USD... 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM-DV Thép Khương Mai Đinh Công Khương cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… trên thế giới tăng mạnh đã đẩy giá phôi thép tăng 20%-30% so với cuối năm 2021. Vì vậy, doanh nghiệp không có cách nào để có thể kìm đà tăng giá bởi 100% nguyên liệu sản xuất của công ty là từ nguồn nhập khẩu. 

Liên quan vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, 60% vải sản xuất dệt may phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, để đa dạng nguồn cung nguyên liệu, đồng thời tăng khả năng được hưởng thuế suất ưu đãi từ FTA, các doanh nghiệp trong nước đã chuyển một phần nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng, giá nguyên liệu nhập khẩu từ những thị trường này cao hơn thị trường Trung Quốc khoảng từ 15%-30%. Chưa kể, tình hình chung do ảnh hưởng dịch bệnh từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu tất cả thị trường nhập khẩu đồng loạt tăng thêm từ 1-3 lần, tùy nhóm hàng.  

Mòn mỏi chờ nguyên liệu nội địa

Cũng theo ông Trần Việt Anh, việc mua được nguồn nguyên liệu trong nước luôn là nỗi khát khao của tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa. Nếu tăng tỷ lệ nguyên liệu nội địa, doanh nghiệp không những chủ động kế hoạch sản xuất, giảm chi phí logistics mà còn tăng khả năng cạnh tranh nhờ được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu khi xuất khẩu vào các thị trường đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Việc doanh nghiệp nội phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu là chuyện không mới, nhưng nhiều năm nay, những đề xuất cần thiết để chủ động nguồn nguyên liệu vẫn chưa có giải pháp xử lý. Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng phân tích, để đầu tư nhà máy cắt may cần khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng để đầu tư sản xuất vải nguyên liệu cần thiết phải tính bằng tỷ USD. Đó là lý do phần lớn doanh nghiệp trong nước không đủ nội lực đầu tư sản xuất nguyên liệu. 

Nhấn mạnh thêm,  Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM Đỗ Phước Tống nhận định, đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ thì việc xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu thép chỉ là… mơ! “Tôi không dám nghĩ đến số tiền khổng lồ cần có để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu thép. Do vậy, câu chuyện ăn đong nguyên liệu là chuyện thường mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đành chấp nhận. Hiện các doanh nghiệp nói chung phải đàm phán lại đối tác cung ứng. Trường hợp không thể cạnh tranh về giá thành thì cũng đành phải nhường thị phần cho các đối tác cung ứng khác”, ông Đỗ Phước Tống than thở. 

Từ góc nhìn khác, nhiều doanh nghiệp cho biết, những chính sách ưu đãi đầu tư dành cho doanh nghiệp nước ngoài trong những năm qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sản xuất được họ cung ứng về công ty mẹ nước sở tại theo hướng khép kín nên doanh nghiệp trong nước không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu này. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước có nội lực tốt cần được chuyển giao công nghệ để đầu tư sản xuất nguyên liệu thì không phải doanh nghiệp FDI nào cũng sẵn lòng chuyển giao. 

Trước thực tế trên, các doanh nghiệp cho rằng, để doanh nghiệp trong nước có nguyên liệu sản xuất, các cơ quan chức năng cần phải có điều kiện đi kèm với chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu. Nhất thiết phải quy định tỷ lệ ưu tiên cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội địa. Song song đó, cần tiếp sức tài chính cho những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để tạo nền tảng hình thành chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt khép kín trong nước, hỗ trợ nhau phát triển bền vững.

Đa dạng thị trường cung ứng nguyên liệu sản xuất

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục phụ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập thì Bộ Công thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại nước ngoài: tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt để hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đồng thời giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.

Các tin khác