Doanh nghiệp điêu đứng, tiếp sức thế nào?

(ĐTTCO) - Việc các nhà nhập khẩu Mỹ và EU thông báo hủy, hoãn đơn hàng do dịch Covid-19 đang khiến DN nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, da giày… rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.
DN dệt may đang tắc đầu ra ở cả 2 thi trường lớn Mỹ Và EU.
DN dệt may đang tắc đầu ra ở cả 2 thi trường lớn Mỹ Và EU.

Đây lại là những ngành số lượng lao động lên tới hàng triệu người nên vấn đề an sinh xã hội đặt ra rất lớn. Nhưng để duy trì sản xuất tối thiểu, việc chuyển hướng thị trường liệu có khả thi trong lúc này. 

Bủa vây trong khó khăn

Từ nửa cuối tháng 2, DN dệt may, da giày như ngồi trên lửa vì lo thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu do dịch bùng phát ở Trung Quốc, thị trường cung ứng phần lớn nguyên phụ liệu cho 2 ngành hàng này. Qua đến giữa tháng 3, khi một số DN có thể tìm được nguồn cung thay thế và Trung Quốc đã khống chế được dịch, nhiều nhà máy đi vào sản xuất trở lại, một mối lo khác lại ập tới. Các nhà nhập khẩu Mỹ và EU thông báo hủy, hoãn đơn hàng do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. 

Tắc đầu ra ở 2 thị trường lớn, nhiều DN điêu đứng. Ông Phan Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết sản xuất hàng thời trang theo mùa nên việc hủy, hoãn đơn hàng khiến DN hết sức bị động. VitaJean hiện đã phải cho gần 50% công nhân nghỉ việc luân phiên vì không có nhiều việc làm. Tình hình này cũng diễn ra ở nhiều DN khác trong ngành. 

Cũng trong tình cảnh tương tự, ngành da giày đang đứng trước tình thế buộc phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên do. Ông Nguyễn Trí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho biết Mỹ và EU - 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của giày Gia Định - thông báo tạm ngừng nhập hàng từ ngày 19-3, đã khiến hàng ngàn công nhân của công ty rơi vào hoàn cảnh không có việc làm. Công ty phải cho nghỉ luân phiên 50% công nhân để giữ chân người lao động. Ngành da giày dự báo nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khả năng hàng loạt DN da giày phải đóng cửa hoàn toàn có thể xảy ra. 

Không chỉ dệt may, da giày, nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp khác cũng đang hết sức khó khăn trong lúc này. Mới đây trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT kiến nghị giải pháp hỗ trợ DN, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết tình hình xuất hàng đang bị đình trệ nghiêm trọng khi các khách hàng lớn nhỏ yêu cầu tạm dừng tất cả đơn hàng. 

Thậm chí những ngành hàng nhóm thực phẩm như thủy sản cũng bị sụt giảm đơn hàng. Theo đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu ở châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy, riêng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị. Hiện nay hầu hết DNNVV không có đơn hàng mới trong quý II, III, nhất là ở các nhóm thị trường chính Mỹ, EU.

Nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN được đưa ra thời gian qua vẫn chưa đi vào cuộc sống do còn vướng nhiều thủ tục, trong khi việc này đòi hỏi phải nhanh chóng, nếu không DN không thể cầm cự nổi. 
Bà Phan Thị Thanh Xuân, 
Tổng thư ký Hội da giày túi xách Việt Nam
Chuyển hướng không dễ

Trong cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20-3, nhiều giải pháp được nhắc tới trong đó có đề cập giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đang bắt đầu hồi phục sau dịch như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên theo các DN, hiệp hội dệt may, da giày, giải pháp chuyển hướng thị trường lúc này rất khó khả thi. 

Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng với dệt may thị trường Nhật Bản còn tương đối ổn định, nhưng để mở rộng thêm rất khó, nên các DN chỉ cố gắng duy trì. Riêng Hàn Quốc tỷ lệ xuất khẩu ít trong khi thị trường này đến nay cũng chưa ổn định sau dịch. DN khi sang thị trường khác phải tìm hiểu khách hàng, nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, không phải nói chuyển là chuyển ngay được. Dệt may lại không phải mặt hàng thiết yếu, người ta có thể giảm mua khi kinh tế khó khăn nên khó lại càng khó. 

Giải pháp tình thế hiện nay DN dệt may đề xuất là các bộ ngành cho xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn. Trao đổi với ĐTTC, ông Phan Văn Việt (VitaJean) cho biết thị trường Mỹ, châu Âu vốn không có nhu cầu khẩu trang, nhưng nay tình hình dịch bệnh đang phức tạp, họ đã thay đổi và thấy khẩu trang là cần thiết. Vì thế nếu được xuất khẩu nhiều DN có thể tham gia, chuyển đổi sang làm khẩu trang, việc đầu tư thêm máy móc không quá khó và tốn kém lại có thể giải quyết việc làm cho công nhân trong tình thế này. 

Phân tích thêm về việc chuyển dịch thị trường, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hội da giày túi xách Việt Nam, cho biết các thương hiệu lớn như Nike, Adidas chúng ta đang gia công cho thị trường Mỹ, châu Âu đều nằm ở chính 2 nơi này, hoặc chi nhánh ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, nên nói chuyển dịch thị trường nghe có vẻ hơi vô lý. Trong khi đó, các thương hiệu riêng của Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng hàng hóa gia công của DN Việt Nam. Chính vì thế hiện nay các DN chưa thể tìm ra giải pháp nào khả thi ngoài việc phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên. 

Do đặc thù của da giày, dệt may sử dụng rất đông lao động, lương thấp, trình độ không cao, nếu lao động bị mất việc sẽ gây bất ổn xã hội rất lớn. Đề xuất của DN hiện nay là nhà nước có thể chia sẻ 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động cùng với DN. Giải thích rõ hơn về điều này bà Xuân cho biết, nếu người lao động nghỉ việc Nhà nước sẽ phải trả bảo hiểm thất nghiệp. Nếu DN cho nghỉ tạm thời chờ việc phải trả 100% lương tối thiểu vùng và Nhà nước có thể chia sẻ với DN. Ngoài ra việc đề xuất miễn nộp kinh phí công đoàn (2% tổng quỹ lương) cũng được DN nhiều ngành hàng đề xuất trong lúc này. 

Các tin khác