Doanh nghiệp đưa ra nhiều “chiêu” để hấp dẫn người lao động

(ĐTTCO)-Cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong năm. Người lao động tìm việc, doanh nghiệp tìm lao động, để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn này, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp để hấp dẫn, giữ chân người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã rất tích cực đưa ra những chế độ, quyền lợi cơ bản để thu hút người lao động (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp đã rất tích cực đưa ra những chế độ, quyền lợi cơ bản để thu hút người lao động (Ảnh minh họa)

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, một năm có thể coi là tương đối khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, đơn vị chuyên may trang phục cho biết, hiện, doanh nghiệp đang thiếu từ 10-15% nhân công lao động. Do thiếu nhân công nên đơn hàng chậm trễ, công nhân phải tăng tốc để đạt chỉ tiêu của năm.

Cũng vì lý do đó nên năm nay lượng hàng sản xuất ra sụt giảm hơn, chỉ bằng khoảng 70-80% so với năm ngoái. Thiếu nhân công, doanh nghiệp cũng đăng tuyển dụng lao động nhưng thật không dễ dàng. Bởi trước đó, sau một thời gian dài ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động đã nghỉ việc, chuyển việc, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại thì số lao động đó đã có công việc ổn định và họ không muốn quay trở lại nơi làm cũ nữa.

Theo bà Lộc, năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối năm thì tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều doanh nghiệp lại diễn ra. Do đó, để hạn chế thấp nhất tình trạng này thì nên có những động thái để hấp dẫn, giữ chân người lao động. Cụ thể là cần tạo việc làm ổn định, trả lương thỏa đáng, cùng với đó, cần có các chế độ đãi ngộ với người lao động như phụ cấp chuyên cần, đóng bảo hiểm, hỗ trợ nhà ở…

Doanh nghiệp Mỹ Anh đã đảm bảo được những yếu tố này trong nhiều năm và trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì để thu hút người lao động.

“Doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, nhưng những người có kinh nghiệm, việc làm ổn định ở các doanh nghiệp khác thường không muốn nhảy việc vào cuối năm, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn. Do đó, đời sống của người lao động cần phải được quan tâm sát sao để họ có cuộc sống ổn định, yên tâm làm việc”, bà Lộc nói.

Trong bối cảnh một số lĩnh vực sản xuất còn thiếu lao động thì vẫn có những doanh nghiệp có đủ nhân công lao động trong cả năm. Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị May Hưng Yên chia sẻ, năm nay, sản lượng hàng của May Hưng Yên không đạt được như kỳ vọng, thiếu đơn hàng là do các thị trường bị ảnh hưởng bởi lạm phát nên sức mua ít đi. Lượng hàng không có nhiều nên tình hình nhân công lao động của doanh nghiệp không căng thẳng như mọi năm.

Đây là một trong số ít doanh nghiệp may mắn không bị thiếu hụt nguồn lao động. Ông Dương chia sẻ, để hạn chế tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực lao động, công ty đã có một số giải pháp như, quan tâm nhiều hơn đến tiền lương của người lao động, khi thu nhập ổn định thì người lao động sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

“Vấn đề tiếp theo mà doanh nghiệp quan tâm đến là thời gian làm việc ổn định, không tăng giờ nhiều. Cùng với đó là quan tâm đến các điều kiện về đời sống, tinh thần của người lao động như, chú trọng cải thiện đời sống của người lao động; các chế độ phúc lợi, khen thưởng, chế độ nghỉ mát… doanh nghiệp duy trì rất tốt. Vì thế, nhiều năm gần đây, số lượng lao động hầu như tăng, không giảm, số công nhân xin vào làm việc nhiều hơn số nghỉ việc. Nói chung, số lượng nhân công đến thời điểm này vẫn khá ổn định”, ông Dương cho hay.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện nay, không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh lân cận cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề, phân khúc, trình độ. Do đó, xu hướng tuyển dụng trong các tháng cuối năm sẽ tăng lên và rất đa dạng để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn  như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023. 

Để tạo thêm việc làm cho người lao động, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên chuyên đề về tuyển dụng để kết nối người lao động với doanh nghiệp. Ngoài tuyển dụng trực tiếp, Trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, phối hợp với các tỉnh, thành phố trên địa bàn khu vực phía Bắc để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong giai đoạn giáp Tết”.

Ông Thành cho biết thêm, thông qua việc tiếp nhận đơn tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đã rất tích cực đưa ra những chế độ, quyền lợi cơ bản để thu hút người lao động. Trong bối cảnh hiện tại, việc chú trọng đến đời sống của người lao động như vậy là rất cần thiết.

“Tại các phiên giao dịch việc làm gần đây chúng tôi thấy, để thu hút và hấp dẫn người lao động, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới các yếu tố lương, thưởng, đãi ngộ. Trong khi phỏng vấn, có những doanh nghiệp đã chấp nhận thỏa thuận lại mức lương cao của người lao động, cũng có công ty chấp nhận tuyển sinh viên năm cuối chưa có kinh nghiệm vào đào tạo và làm việc bán thời gian”, ông Vũ Quang Thành cho hay.

Mặc dù vậy, theo ông Thành, vấn đề chính vẫn là làm sao có được nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao. Muốn vậy thì cần triển khai gắn kết giữa đào tạo với các cơ sở và doanh nghiệp. Khi được đào tạo gắn trực tiếp với doanh nghiệp, với các vị trí việc làm cụ thể thì người lao động được đào tạo ra sẽ trực tiếp làm việc tại các lĩnh vực đó và tiếp tục phát triển trên các vị trí việc làm với những kỹ năng liên quan. Như vậy, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng sẽ cao hơn, hạn chế được tình trạng, doanh nghiệp thiếu phân khúc lao động khác nhau trên các trình độ khác nhau.

Các tin khác