Doanh nghiệp gặp khó khăn kép

(ĐTTCO)-Hầu hết doanh nghiệp (DN) lĩnh vực giao thông vận tải đang phải chịu tác động rất lớn khi giá xăng dầu tăng cao. Lĩnh vực này vốn đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, nay thêm yếu tố này, càng thêm khó .
Doanh nghiệp gặp khó khăn kép

Hoạt động cầm chừng

Tại bãi xe tải giao nhận hàng gần Ngã tư Gò Mây - QL1 (quận Bình Tân), nhiều xe nằm bãi chờ 3 - 4 ngày vẫn không đủ tải để xuất bến. Anh Nguyễn Văn, chủ xe chuyên vận chuyển hàng hóa từ TPHCM về các tỉnh miền Trung, cho biết có khoảng 200 đầu xe vận chuyển hàng hóa nhưng hiện chỉ còn 22 xe hoạt động cầm chừng.

Thậm chí chiều từ các tỉnh vào TPHCM phải tận dụng chở thêm đủ thứ hàng hóa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí. Trong khi đó, chi phí phát sinh rất nhiều do xăng dầu liên tục tăng giá, cộng với chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế. 

Ông Trần Thanh Mỹ, chủ doanh nghiệp Mỹ Tú (chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình) thông tin, hầu hết công trình xây dựng lớn chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều dự án chưa triển khai lại, nên nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng vật liệu xây dựng, san lấp gần như đứng hình.

“Đã vậy, dịch chưa qua, giá xăng liên tục điều chỉnh tăng, nhiều doanh nghiệp mấy tháng qua khó khăn nay càng khốn khó thêm”, ông Mỹ nói. 

Tương tự, DN vận chuyển nông sản bằng container Nguyễn Anh Tuấn, chuyên chở trái cây đường dài tuyến Bắc - Nam, cho biết, với doanh thu hơn 40 triệu đồng/chuyến, trong đó chi phí dầu hơn 17 triệu đồng (chiếm tới 36%), giá cước phải điều chỉnh tăng khoảng 20% mới cân đối doanh thu. Tuy vậy, DN đang ở thế khó với các hợp đồng đã ký; việc thay đổi giá cước vận chuyển trong thời điểm hiện tại khách hàng khó chấp nhận. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Hồ Văn Hưởng cho rằng, chi phí xăng dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động vận tải. Hiện số lượng đầu xe hoạt động trở lại chỉ khoảng 15% vì lượng khách giảm sút. Xe chỉ vài hành khách, giá xăng dầu tăng thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng.

Chấp nhận bù lỗ 

Việc giá xăng dầu tăng mạnh gần đây đang tác động trực tiếp đến nguyên liệu sản xuất của công ty như bao bì đóng gói, chi phí vận chuyển, giá thức ăn chăn nuôi… Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết, mức giá chung của nguyên vật liệu đầu vào đã tăng khoảng 30% so với trước đó, trong khi giá thành sản phẩm trứng gia cầm cũng như thực phẩm chế biến khác của công ty bán ra trên thị trường không đổi.

Sở dĩ Ba Huân không tăng giá sản phẩm thời điểm này xuất phát từ nguyên nhân thị trường vừa mới trải qua giai đoạn giãn cách kéo dài, thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm, dẫn tới sức mua còn yếu. Thậm chí, để kích cầu, công ty còn phải liên tục thực hiện các đợt khuyến mãi, giảm giá trứng gia cầm nên sắp tới chưa có chuyện tăng giá sản phẩm.

Để giữ được giá như hiện nay, công ty phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ một phần. Do đó, về lâu dài, để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện nhiều công ty kiến nghị có chính sách ổn định giá thị trường, cũng như có chính sách tạo cầu tiêu dùng, từ đó tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, góp phần giảm lỗ, từng bước phục hồi và phát triển. 

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính kinh tế, hiện nay, giá hàng hóa tăng do hoạt động giao thông vận tải kết nối từ sản xuất tới phân phối chưa thực sự phục hồi. Dù vậy khi giá xăng dầu tăng như hiện tại cũng sẽ có tác động nhất định tới việc tăng giá hàng hóa trong thời gian sắp tới. Về lâu dài, để giá hàng tiêu dùng không bị tăng mạnh chúng ta phải đẩy mạnh kinh tế thị trường, chống độc quyền hoặc chống lợi ích nhóm để không có chuyện làm giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có 2 công cụ để kiềm giá xăng là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỷ lệ tăng của giá xăng dầu, nhất là khi tỷ lệ thuế và phí trong giá xăng lên tới hơn 40%. Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng cách giảm hoặc miễn thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu.

Các tin khác