Doanh nghiệp nhìn lại mình, hiến kế với Chính phủ

(ĐTTCO)-Cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ các cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị với Thủ tướng.
Doanh nghiệp nhìn lại mình, hiến kế với Chính phủ

Dệt may hướng tới 60 tỷ USD xuất khẩu trong 5 năm tới

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề. Trước hết, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động.

Mặt khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch COVID-19 làm gián đoạn, các doanh nghiệp càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước với nhau. 

Vấn đề khai thác thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các FTAs, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do COVID-19, thì thị trường nội địa lại là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0.

Đối với ngành dệt may ,dịch COVID-19 tạo cơ hội sản xuất khẩu trang với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngành dệt may đã xây dựng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 42 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 tăng bình quân 6%/ năm. Tuy nhiên với tác động của COVID-19, khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019, nếu dich bệnh được kiểm soát trong quý II/2020.

Sau dịch bệnh,  các doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng mới mở như CPTPP, EVFTA và tương lai gần là RCEP để phấn đầu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020 - 2025. 

Cùng với đó, đầu tư mới với công nghệ hiện đại, phát thải thấp nhất. Tập trung phát triển sản xuất không phát thải như sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước hoặc không nước. Nỗ lực cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp theo hướng đáp ứng được tiêu chí của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may cần ứng dụng hiệu quả các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 55 – 60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay, như vậy năng suất lao động trên đầu người sẽ tăng khoảng 50%.

Hiệp hội Dệt may đề nghị nhiều vấn đề, trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, đặc biệt quan trọng là quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung.

Hiệp hội cũng cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thay đổi nhận thức "sính hàng ngoại" của người dân và để họ hưởng ứng tích cực hơn cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Cơ hội lớn từ việc phục hồi sớm

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản nhận định có cả thách thức và cơ hội với ngành trong bối cảnh mới. Về thách thức, sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”; một số doanh nghiệp bị đào thải: đóng cửa, phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác; nợ xấu có thể sẽ gia tăng; chi phí sản xuất tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; lao động có thể sẽ thiếu và ngày càng khó khăn…

Cùng với đó, tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao; trong khi lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng.

“Qua đại dịch COVID-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông-thuỷ sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu”, Hiệp hội Thủy sản phân tích.

Về cơ hội, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu-bán lẻ với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch COVID-19, mà nguyên nhân là do quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng.

Các quốc gia sản xuất thuỷ sản cạnh tranh chính với Việt Nam phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.

Hiệp hội cũng dự đoán sẽ có dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia sang Việt Nam, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng, trong khi các sản phẩm thủy sản tiện dụng (ăn liền hoặc chỉ việc nấu chín) có giá trị gia tăng có xu hướng đươc ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới…

Hiệp hội đề xuất, Chính phủ và Bộ NN&PTNT có chỉ đạo kết hợp tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi chúng ta có cơ hội lớn về thị trường - thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân…

Khai thác thị trường nội địa, “kinh tế ban đêm”

Còn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết các doanh nghiệp đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt đối với riêng ngành ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục kiến nghị cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Cùng với đó, cần khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Các dự án nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án.

Ba là, ngoài việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với dân số gần 100 triệu.

“Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc, vì các nước trên thế giới cũng đang mở ra rất mạnh mẽ, nhất là khu vực châu Á”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.

Cùng với các chính sách về thuế, phí, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, Chính phủ số và doanh nghiệp số. Cần có một cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về mặt bằng sản xuất, kinh doanh và tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.

“Hơn lúc nào hết, tôi cho đây là “thời điểm vàng” để toàn bộ hệ thống chính trị tạo sự bứt phá, mặt khác tôi cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tập trung tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khẳng định cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã làm rất tốt. Cả hai điều đó góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam – một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã rất cố gắng để chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua. Phía Việt Nam đã hỗ trợ và kết hợp tốt đẹp giúp đoàn kỹ sư của tập đoàn SAMSUNG và LG, cũng như khối doanh nhân thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam trong tháng 4 vừa qua với những điều kiện tuân thủ yêu cầu phòng dịch và cách ly theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng.

Các doanh nghiệp kiến nghị sớm nối lại đường bay với Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động có thể sang Việt Nam làm việc. Phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kocham sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài. Tăng cường các giải pháp để kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các tin khác