Doanh nghiệp nóng lòng chờ “mở cửa”

(ĐTTCO)-Mong mỏi từng ngày được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp tại TP.HCM đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng tái xuất sau kỳ “ngủ đông” kinh tế chưa từng có trong lịch sử.
Các doanh nghiệp trông ngóng TP.HCM mở cửa kinh tế
Các doanh nghiệp trông ngóng TP.HCM mở cửa kinh tế

Ngóng kế hoạch chính thức của thành phố

Túi bụi trong những cuộc họp kéo dài từ sáng đến tối, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, dùng từ “sốt ruột từng giờ từng phút” khi chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng lại kế hoạch tái xuất sau khi TP.HCM mở cửa kinh tế.

Rơi vào tình cảnh “kinh khủng chưa từng có” - như cách nói của ông Kỳ - khi Vietravel kinh doanh trong 2 lĩnh vực bị tác động nặng nề và nghiêm trọng nhất từ dịch bệnh là hàng không và du lịch.

Du lịch “đóng băng”, còn máy bay vừa về đã phải “đắp chiếu” nhiều tháng, doanh thu bằng không, gần 5 tháng TP.HCM giãn cách xã hội cũng là quãng thời gian người đứng đầu Vietravel áp lực với gánh nặng chi phí không cách nào giải quyết.

“Vì thế, ngay khi lãnh đạo TP khẳng định sẽ bắt đầu từng bước mở lại kinh tế sau khi mãn lệnh giãn cách 15.9, chúng tôi đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch phục hồi”, ông Kỳ chia sẻ và cho biết từ tháng 5, công ty đã tận dụng thời gian nghỉ dịch để tập trung tái cấu trúc. Đến giờ này, đang đi vào những bước hoàn thiện cuối cùng, đã hoàn tất chuyển đổi thành hệ thống “holdings” gồm 1 công ty mẹ và 4 công ty con.

“Chúng tôi đang thay đổi mô hình quản trị, đẩy mạnh kênh bán hàng online, phát triển thêm những ngành hàng mà trước đây mình chưa có cơ hội triển khai. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề hệ thống sản phẩm và điều chỉnh toàn bộ hệ thống điều hành, cắt giảm chi phí, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính chặt chẽ để “mở cửa” là có thể bắt tay vào làm được ngay. Lần quay trở lại này, Vietravel sẽ có một diện mạo mới chuyên nghiệp hơn, tinh gọn hơn và hiệu quả hơn”, ông Kỳ nói.

Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Vietravel không khỏi băn khoăn bởi chỉ còn chưa tới 1 tuần nữa là tới “giờ G” 15.9, nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn chưa biết sắp tới TP sẽ chống dịch theo chiến lược nào, lĩnh vực nào được mở trước, lộ trình ra sao.

“Chính phủ cũng như TP cần công bố một kế hoạch rõ ràng sau Chỉ thị 16 sẽ áp dụng chỉ thị nào, giai đoạn sau sẽ tiếp diễn ra sao. Trong mỗi giai đoạn sẽ cho phép những lĩnh vực nào hoạt động, tiêu chí thế nào, điều kiện được hoạt động… Cần nói rõ chính quyền TP muốn gì, mục đích, đến ngày nào sẽ chuyển trạng thái… để DN từ đó bám theo cùng xây dựng, đóng góp ý kiến.

Lộ trình rõ ràng thì DN mới có thể dựa vào đó để xây dựng kế hoạch, triệu tập lại nguồn lực. Vì trước đó, DN đã rất nhiều lần tái đầu tư rồi dịch bệnh lại bùng lên, mọi công sức “đổ sông đổ bể”. Qua 3 - 4 lần như vậy, DN đã kiệt sức rồi”, vị này đề xuất.

Cùng tâm trạng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty CP may Sài Gòn 3, cho biết công ty đã phải ngừng hoạt động trong suốt tháng 7 để phòng chống dịch và chuẩn bị một số điều kiện vật chất cho thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”.

Từ tháng 8 đến nay, công ty chỉ tổ chức sản xuất cho bộ phận hoàn tất đơn hàng giao gấp và triển khai “3T” cho bộ phận thiết kế, may mẫu, chuẩn bị cho các đơn hàng mới. Ước tính, chỉ có khoảng 150 công nhân, tương đương 5% lao động của công ty đang hoạt động và không thể mở rộng thêm vì cơ sở vật chất không đáp ứng được.

Trong khi đó, gần 3.000 công nhân của Sài Gòn 3 hầu như đã tiêm xong mũi 1 và 30% tiêm xong mũi 2. Vì vậy, ông rất mong TP.HCM mở dần hoạt động kinh tế để nhanh chóng trả nợ các đơn hàng cũ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đối tác.

“Có thể chỉ mở lại khoảng 50 - 60% và nâng dần công suất cũng như số lượng lao động. DN cũng sẽ khó mở lại hoạt động sản xuất 100% ngay từ đầu vì phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, việc mở cửa kinh tế trở lại sẽ được thực hiện từng bước phù hợp theo điều kiện của mỗi DN và quy định của địa phương nơi DN hoạt động”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Chính sách hỗ trợ cần dứt khoát, mạnh mẽ hơn

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, đánh giá: “Trải qua kỳ ngủ đông kéo dài, đa số DN đã bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động, sức khỏe có thể nói đã kiệt quệ. Ngay khi mở cửa, cần có sự hỗ trợ, “bơm máu” kịp thời để giúp DN nhanh chóng hồi sinh.

Vì thế, ngay từ lúc này, nhà nước cần thống kê để đánh giá cụ thể từng ngành nghề, từng lĩnh vực xem tình hình của họ hiện như thế nào, phải chịu những gánh nặng ra sao về chi phí hoạt động, chi phí lao động, chi phí tài chính… Từ đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như thuế ưu đãi phục hồi, lãi suất ưu đãi, các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi cung ứng”.

Theo ông Tuấn, thời gian qua, Chính phủ đã và đang xây dựng các gói chính sách tài khóa, tiền tệ… hỗ trợ DN, song quy mô và sức ảnh hưởng vẫn còn rất hạn chế. Có những gói hỗ trợ giá trị rất lớn, lên tới vài tỉ USD, nhưng giải ngân chưa được đến 1/3 do DN trầy trật không thể tiếp cận được.

Tâm lý của những nhà làm chính sách thường sợ sai đối tượng sẽ bị quy trách nhiệm dẫn đến quá thận trọng. Phải có sự thay đổi tư duy làm chính sách, tối giản những điều kiện, thủ tục để mở rộng đối tượng tiếp cận.

“Vừa qua, Chính phủ cùng TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động dịch bệnh. Đây là sự thay đổi tư duy rất quan trọng. Với các gói chính sách hỗ trợ DN cũng cần sự mạnh dạn như vậy. Đơn cử, các DN sản xuất đang thực hiện “3 tại chỗ” hiện nay đã có dữ liệu rất chặt, có thống kê đầy đủ phần chi phí tăng lên…

Bình quân mỗi người lao động cần thêm 5 triệu đồng/tháng, nếu hỗ trợ mỗi người 50% thì nhân lên với số lao động sẽ ra được số tiền cụ thể, chuyển thẳng vào tài khoản của DN. Tóm lại, với các chính sách hỗ trợ sắp tới, cần làm một cách mạnh dạn hơn, dứt khoát hơn. Quá thận trọng thì sẽ thất bại, cuối cùng, không ai được nhận gì”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.

Các tin khác