Doanh nghiệp tái cấu trúc để tồn tại và trụ vững

(ĐTTCO)- Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 trong 2 năm qua, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đang dần đuối sức. Cộng đồng doanh nghiệp xác định trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, thay đổi đồng bộ các chiến lược sản xuất kinh doanh.
Khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tái cấu trúc
Khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tái cấu trúc

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tới 200.000 – 300.000 tỷ đồng, dẫn đến việc thiếu hụt, mất cân đối về dòng tiền. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Theo đó, nên cho các doanh nghiệp vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn, khi doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ hoàn trả. Đồng thời cho rằng, việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn so với việc doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Ông Phạm Đình Đoàn cũng nêu quan điểm, khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực: “Bệnh dịch chắc chắn còn kéo dài, trong lúc này cho doanh nghiệp cho người dân nợ Chính phủ, bởi vì người ta rất cần dòng tiền. Đồng thời, các doanh nghiệp phải kịp thời đàm phán với các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp, ngân hàng và khách hàng để giữ được cân bằng. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại, duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, đồng thời, mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn edX cho rằng, năm 2020, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh, nhưng thời gian vừa qua, dịch kéo dài và cũng không biết sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa, đây là vấn đề doanh nghiệp rất bất an.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp xác định, muốn tồn tại thì buộc phải có giải pháp thay đổi một cách đồng bộ trên mọi mặt trận, như” tái cấu trúc chiến lược, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, nhân sự online…

“Chuyển từ truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc thực hiện nhân sự online làm việc online, quản lý online, bán hàng online, chuyển dịch lĩnh vực kinh doanh online. Trong quá trình triển khai phải khai thác thật kỹ dựa trên tiềm lực, lợi thế của doanh nghiệp, xem mình đang đứng ở đâu, như thế nào để chuyển dịch cho phù hợp.

Đấy là cách tốt nhất đối với tất cả doanh nghiệp, chắc chắn rằng chúng ta buộc phải chuyển online, bởi vì dịch bệnh không biết bao giờ có thể dừng lại”, ông Nguyễn Đình Hùng nêu quan điểm.

Các tin khác