Doanh nghiệp thuỷ sản đứng trước nguy cơ ‘bể’ kế hoạch kinh doanh do ​đứt nguồn cung nguyên liệu

(ĐTTCO) - Chính sách giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ tác động đến sản lượng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu giãn cách kéo dài.   


Doanh nghiệp thuỷ sản đứng trước nguy cơ ‘bể’ kế hoạch kinh doanh trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nguyên liệu đứt gãy.
Doanh nghiệp thuỷ sản đứng trước nguy cơ ‘bể’ kế hoạch kinh doanh trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nguyên liệu đứt gãy.

Vừa khởi sắc trong 6 tháng đầu năm

Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 788 triệu USD, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi của Mỹ đối với dịch vụ ăn uống sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Sản lượng xuất khẩu cá tra đã trở lại mức trước Covid-19, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 60%.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ USD, do nhu cầu tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Nhu cầu thủy sản tăng mạnh tại Mỹ cũng giúp giá bán trung bình của cá tra và tôm Việt nam tăng lần lượt 15% và 5% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi giá bán cá tra sang EU và Trung Quốc đi ngang so với đầu năm.

Trung Quốc đã phải đối mặt với các yêu cầu kiểm soát và kiểm tra chặt chẽ hơn, liên quan đến Covid-19 đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Vấn đề này được cho là sẽ tiếp diễn nửa cuối năm 2021, do các đợt bùng phát dịch bệnh mới mới.
Tại EU, giá bán cá tra thấp vì xuất khẩu cá tra của Việt Nam cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng đang có xu hướng giảm giá bán.
Theo Kontali, sản lượng nguồn cung cá thịt trắng năm 2021 dự kiến đạt 13 triệu tấn, tương đương mức tăng 4%, trong khi như cầu nhập khẩu cá thịt trắng của EU lại giảm 17%.

Những yếu tố trên giúp cho hầu hết công ty thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Nổi bật nhất là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), đạt mức tăng trưởng doanh thu 2 con số, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng.

Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng thấp hơn doanh thu ở một số công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và EU. Như CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI). 

... nhiều nhà máy thủy sản phải đóng cửa

Triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với thủy sản Việt Nam lại càng thêm phức tạp, do các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có hiệu lực vào ngày 19-7.

Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ”, thêm chi phí xét nghiệm Covid-19 thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.

Doanh nghiệp thuỷ sản đứng trước nguy cơ ‘bể’ kế hoạch kinh doanh do ​đứt nguồn cung nguyên liệu ảnh 1 Dự báo các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi, và tiếp tục trong quý cuối năm nếu dịch bệnh không được kiểm soát.
Theo VASEP, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ, sau khi tăng 15%, đạt 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Số lượng nhân viên chỉ còn 30-50% mức bình thường, gây ra sụt giảm khoảng 50-60% công suất sản xuất.

Undercurrent News cũng cho biết trong tháng 7-2021, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã giảm khoảng 18% so với tháng 6. Sản lượng tháng 7 vẫn duy trì khá tốt là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động, dù công suất thấp hơn bình thường.

Cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng 1 tháng, giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7. Trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ.

Bộ phận phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. VDSC cũng lo ngại rằng sự sụt giảm có thể diễn ra tiếp tục vào quý IV-2021, do các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. 

Song VDSC cũng tin rằng, với đặc thù ngành thủy sản, một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường. Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022 mới hy vọng sáng hơn.

Các tin khác