Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao lớn mạnh vẫn yếu?

(ĐTTCO)-Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cho thấy các doanh nghiệp (DN), nhất là DN tư nhân (DNTN) đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. 

Hàng không tư nhân Vietjet là minh chứng sức mạnh cho các DNTN bức phá.
Hàng không tư nhân Vietjet là minh chứng sức mạnh cho các DNTN bức phá.
DNTN đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước; một số tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) đã góp phần làm mới “chân dung” đất nước, như Sungroup với sân bay Vân Đồn, Vingroup với Vinfast, THACO… Nhưng vì sao cho đến nay khu vực DNTN vẫn rất khó tiếp tục lớn mạnh?
Vai trò chiến lược…
Những năm gần đây, số lượng DN đã tăng đáng kể, góp phần phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong xây dựng chiến lược các kế hoạch 5 năm, hàng năm của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, vai trò của DNTN thể hiện khá rõ: tổng kết, đánh giá, xác định các điểm nghẽn của giai đoạn chiến lược trước, có thể có các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực...
Một kênh quan trọng để nhận diện được các điểm nghẽn chính là những phản hồi của DN, nhà đầu tư và thị trường. Những thông tin, phản hồi của họ tạo áp lực đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải giải quyết, tháo gỡ, với các giải pháp mang tính đột phá chiến lược.  
DNTN đã tham gia những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway, đã làm thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi. Một số tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư theo chiều sâu, mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, như Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Masan, Vinamilk, TH, Lộc Trời…
Một số DNTN lớn khác cũng đã thực hiện nhiều công trình lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi bộ mặt hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu Bạch Đằng… 
Như vậy có thể thấy, trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không thể thiếu DNTN, bởi họ góp phần hiện thực hóa các chiến lược đề ra trong từng giai đoạn. DNTN cùng với khu vực DN nói chung đã khẳng định được vai trò, vị trí trong xây dựng và thực hiện chiến lược. 

Nhưng chưa được chú trọng
Tiếp tục khẳng định DNTN là xương sống của nền kinh tế, là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, và cần tạo mọi điều kiện cho DNTN phát triển, hình thành những tập đoàn KTTN lớn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần đặt ra đối với DNTN.  Đó là đóng góp của khối DN này vào GDP rất hạn chế (dưới 10%) và hầu như ít được cải thiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2011-2019, dù số lượng DN tăng nhanh. Trong khi đó, cùng giai đoạn 2011-2019, tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong GDP đã tăng gần 5% (từ 15,66% lên 20,34%). 
DNTN hầu hết có quy mô nhỏ (với 98,8% thuộc diện vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ). Số lượng DN từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp. Chưa có nhiều DNTN thực sự lớn mạnh và thiếu sự phát triển đồng đều so với các thành phần kinh tế khác.
Nói cách khác, DN Việt đang thiếu lực lượng DN quy mô vừa và lớn, có tầm quốc tế. Trong khi đó, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các DNTN quy mô lớn chưa được chú trọng, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh khiến DN không lớn được, thậm chí không muốn lớn.
Thực tế nữa, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của DNTN Việt Nam còn yếu. Phần lớn DNTN có trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, nhiều DN đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Điều dễ nhận thấy trong suốt thời gian dài, hiệu quả hoạt động của DNTN chưa cao, hiệu suất sinh lời thấp. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận trước thuế của DNTN đều thấp hơn nhiều so với mức chung toàn khu vực DN, của DN Nhà nước (DNNN) và DN FDI.
Bình quân giai đoạn 2016-2018, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản của DNTN chỉ đạt 1,6%, thấp hơn mức chung của toàn bộ DN (gần 2,7%). 
Ngoài ra, sức chống chịu của DNTN khá hạn chế. Số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể khá lớn và có xu hướng tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2011-2019, số lượng DN ngừng kinh doanh, giải thể trung bình hàng năm bằng khoảng 73,2% số lượng DN đăng ký thành lập mới trong năm.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, khả năng chống chịu hạn chế của DNTN bộc lộ càng rõ hơn. 

Định vị lại khu vực DNTN
Để phát huy được vai trò của khu vực DNTN trong xây dựng và thực hiện chiến lược, cần tiếp tục khẳng định DNTN là xương sống của nền kinh tế, là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và cần tạo mọi điều kiện cho DNTN phát triển, hình thành những DN, tập đoàn KTTN lớn mạnh.
Ở góc độ quản lý nhà nước, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn cản trở DNTN đầu tư, sản xuất và phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho DN cạnh tranh và tăng trưởng, đặc biệt các vấn đề về quyền sở hữu tài sản, quyền liên quan đến sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Đẩy mạnh hơn tốc độ cải cách, cắt giảm và minh bạch hơn các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Song song đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN phát triển, cạnh tranh lành mạnh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực. Khuyến khích và hỗ trợ DNTN đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ họ liên kết với nhau và liên kết với các DN FDI trong hoạt động kinh doanh cũng như chuyển giao công nghệ…

Các tin khác