Doanh nghiệp “xoay vòng” trong khó khăn

(ĐTTCO) - Cuối năm luôn là giai đoạn tăng tốc sản xuất của doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều ngành hàng, cả xuất khẩu và bán sản phẩm trong nước. Thế nhưng, năm nay quá nhiều khó khăn đang bủa vây DN đặt họ vào tình thế “xoay vòng” tìm lối thoát. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đầu vào tăng
Tiếp cận vốn khó khăn do ngân hàng (NH) hết hạn mức tín dụng, hoặc nếu tiếp cận được cũng phải chịu mức lãi suất cao, đang là thách thức đối với nhiều DN.
Chia sẻ cùng ĐTTC, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết nông nghiệp và chế biến thực phẩm là lĩnh vực ưu tiên nên các DN đang được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động của các NHTM liên tục tăng, dẫn đến lãi suất cho vay ngắn hạn tăng theo.
Ngay cả các NHTM có vốn nhà nước như Vietinbank, BIDV lãi suất cho vay ngắn hạn tăng lên 8,5% nhưng cũng chỉ dành cho DN lớn, có kế hoạch làm ăn tốt vì room tín dụng có hạn. Các NHTM khác mức lãi suất đã tăng hơn 10%. 
Trong các lĩnh vực, ngành nghề, nhóm DN sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm sẽ chịu nhiều tác động do chi phí sản xuất, chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao, nay lại tiếp tục chịu lãi suất cho vay cao. Hiện 30-50% vốn hoạt động của các DN này từ NH, nên lãi suất tăng càng tạo thêm khó khăn, áp lực cho DN, nhất là với các DN thực phẩm có nhu cầu cấp thiết về vốn phục vụ sản xuất dịp lễ, tết cuối năm. 
Mới đây Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, báo cáo các khó khăn vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất kinh doanh của DN thủy sản cuối năm 2022 và 2023.
VASEP cho biết, từ giữa năm 2022 đến nay, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các DN thủy sản, dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới giải ngân được 60-80%. Không được giải ngân tiếp, nhiều DN lớn có nhu cầu vốn lớn đã không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án thủy sản đã ngừng thi công.

Đầu ra tắc
Chi phí đầu vào tăng cao liên tục, trong khi đầu ra của sản phẩm cũng không dễ dàng. Nhóm thực phẩm không thiết yếu là một trong những mặt hàng người tiêu dùng đang từng bước cắt giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên sản phẩm cafe trái cây Meet More), cho biết nhu cầu tiêu dùng cuối năm ở thị trường trong nước đang có xu hướng chậm lại do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu. Ở thị trường xuất khẩu, vài tháng trở lại đây nhu cầu đã giảm rõ rệt, đơn hàng giảm mạnh nhất ở các thị trường châu Âu, nơi bị tác động mạnh bởi lạm phát và cuộc xung đột Nga - Ukraine. 
Tương tự không ít sản phẩm thực phẩm không thiết yếu như nhân điều cũng đang gặp khó khăn khi xuất khẩu. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhân điều giảm 11,6% về lượng và giảm 15,5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021. Với các ngành dệt may, gia giày đơn hàng sụt giảm 20-40% so với cùng kỳ. Nhiều DN phải giảm giờ làm để duy trì việc làm cho lao động. Một số DN không trụ nổi buộc phải cho hàng ngàn công nhân thôi việc. 
Theo kết quả khảo sát hơn 400 DN sản xuất ở Việt Nam của S&P Global được HS Markit công bố hồi đầu tháng 11, tình hình không mấy khả quan khi số lượng đơn hàng mới tăng yếu nhất trong hơn 1 năm qua, khiến sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng chậm hơn. 

DN mong mỏi gì
Nói về những chính sách hỗ trợ DN, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết các DN hầu như không tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ. Đã đến lúc Chính phủ cần tách các gói hỗ trợ theo 2 nhóm, một cho các DN lớn, một cho các DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Có như vậy các DN mới thoát khỏi  khó khăn kéo dài suốt từ thời điểm dịch đến nay. 
Cũng nói tới các gói hỗ trợ, bà Lý Kim Chi cho biết hiện NHNN chỉ vận động các NHTM không tăng lãi suất, chưa có biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ DN. Việc buộc các NH không tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao là điều rất khó.
Giải pháp duy nhất hiện nay là đề nghị NHNN nới điều kiện cho vay, giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất 2%; kiến nghị Chính phủ đưa DN các ngành trọng yếu như nông nghiệp, chế biến thực phẩm vào nhóm đối tượng ưu tiên được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất này. 
“Đề nghị có chỉ đạo từ NHNN đến các NHTM để cùng áp dụng lãi suất thấp đối với các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM. Hiện tại mới 1-2 NH đồng ý giảm lãi suất cho DN ngành chúng tôi tham gia bình ổn thị trường, như Vietcombank giảm 1% lãi suất xuống còn 7,5%. Với lãi suất ưu đãi hợp lý, các DN tham gia bình ổn thị trường có thể mở rộng sản xuất, mở rộng và nhập nguyên liệu, tạo điều kiện để tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất và nhất là đảm bảo giữ giá thực phẩm thiết yếu bình ổn dịp trước, trong và sau Tết sắp tới, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân” - bà Chi kiến nghị. 
Trong khi chờ các hỗ trợ của Chính phủ, các DN cũng đang tự liên kết để hỗ trợ lẫn nhau thông qua các chi hội DN, không chỉ ở cấp thành phố, quận, huyện mà đã xuất hiện cả các chi hội cấp xã để có thể đi sâu hơn vào hoạt động của từng DN.
Cụ thể, mới đây chi hội DN xã Nhị Bình, Hóc Môn đã được thành lập với mong muốn hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong xúc tiến thương mại; đồng thời hỗ trợ gói vay nhỏ trong nhóm nhằm giải quyết vốn làm các đơn hàng ngắn. 
 Khó khăn về dòng tiền bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư trung và dài hạn, cùng với giá nguyên vật liệu tăng cao, đang đặt DN vào những tình thế hết sức cấp bách khó khăn.

Các tin khác