Đồng Nai hướng dẫn doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đảm bảo phòng dịch

(ĐTTCO)-Văn bản hướng dẫn tạm thời của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế khi dịch được kiểm soát.
Doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án 3 tại chỗ. (Ảnh: TTXVN)
Doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án 3 tại chỗ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 26/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo kế hoạch từng bước phục hồi kinh-tế xã hội (kế hoạch 11102) mà tỉnh đã ban hành ngày 15/9.

Văn bản hướng dẫn tạm thời này nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển khi dịch được kiểm soát.

Với doanh nghiệp không có F0 trong 14 ngày, khi hoạt động phải đề ra phương án sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch; bố trí nơi dự phòng để tạm thời cách ly F0, F1 nếu xảy ra dịch bệnh.

Các doanh nghiệp “3 tại chỗ” phải quản lý chặt chẽ việc ra-vào doanh nghiệp của người lao động, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa công nhân “3 tại chỗ” với người bên ngoài; không tự ý cho người lao động trở về địa phương hoặc đón người lao động vào doanh nghiệp khi chưa có sự đồng ý của ngành chức năng.

Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ,” nếu phát hiện ca nhiễm COVID-19 doanh nghiệp phải kích hoạt ngay phương án phòng, chống dịch và thông báo cho cơ quan chức năng; dừng ngay hoạt động tại phân xưởng có F0, chủ động thực hiện cách ly F0, truy vết F1, F2.

Người lao động tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp phải ở “Vùng xanh,” được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (sau 14 ngày) hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 180 ngày.

Trường hợp doanh nghiệp tổ chức đưa đón tập trung phải thông báo danh sách lao động đến Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường nơi lao động cư trú để phối hợp giám sát; phương tiện đưa đón phải đăng ký hoặc cấp mã QR.

Trường hợp lao động đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân, doanh nghiệp làm việc với Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường thống nhất việc đi về của lao động để chính quyền ký giấy xác nhận và giấy này được xem như giấy đi đường.

Lao động đi về hằng ngày phải đi đúng lộ trình từ nơi cư trú đến doanh nghiệp và ngược lại. Người lao động chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch và làm lây lan dịch bệnh.

Các doanh nghiệp đang triển khai phương án “3 tại chỗ” được thực hiện hoán đổi và bổ sung lao động; cho người lao động đi về hằng ngày. Đối với doanh nghiệp đang dừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ,” nếu có nhu cầu hoạt động trở lại có thể lựa chọn đăng ký phương án “3 tại chỗ” hoặc tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày.

Các tin khác