Đưa rau quả vào thị trường khó tính

(ĐTTCO) - Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục trên 30%/năm trong 4 năm gần đây, đặc biệt năm 2017 tăng tới 42,42% so với 2016. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ tăng khoảng 10%. Thực tế này đang đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Do vậy, để tăng giá trị cho rau quả việc đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính là hướng đi tất yếu. 
Để vào thị trường khó tính…
Theo số liệu thống kê năm 2018, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu 40 tỷ USD; đứng thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa bền vững, khi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém khi chỉ có 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế, ít có thương hiệu trên thị trường và tỷ lệ sản phẩm qua chế biến còn rất thấp.
Riêng với mảng xuất khẩu rau quả, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu với 73,8% thị phần, những thị trường khác như Australia, Mỹ, Hàn Quốc… cũng có mức tăng trưởng nhưng tỷ lệ còn quá khiêm tốn, nên cũng không đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của rau quả xuất khẩu. 
Theo chia sẻ của một số DN, các thị trường khó tính luôn trả giá cao cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam, nhưng quan trọng là chúng ta có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.
Là một DN xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản hay khu vực châu Âu có nhu cầu cao với các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh, song tiêu chuẩn của họ rất khắt khe. 
Chẳng hạn thị trường Nhật Bản yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặt nhiều biện pháp khắt khe và rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu. Hầu hết các tiêu chuẩn này đều tương đương, thậm chí cao hơn những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.
Hàng hóa phải thông qua các tiêu chuẩn GlobalGAP, quy định về đóng gói, thông qua kiểm dịch thực vật... Muốn sản phẩm chất lượng tốt, DN bắt buộc phải áp dụng công nghệ cao với chi phí đắt đỏ. Nếu không tuân thủ được, rủi ro cho DN xuất khẩu là rất lớn. 
Hay thị trường Mỹ, khắt khe về chất lượng và yêu cầu quy định luật pháp rõ ràng. Cụ thể, Mỹ tăng cường kiểm soát thương mại, cơ chế kiểm dịch thông qua các tiêu chuẩn như: GMP, ISO, HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tương tự, để vào được châu Âu, chứng nhận Global GAP trở thành một yêu cầu tối thiểu, ngoài ra còn nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác. 
Đưa rau quả vào thị trường khó tính ảnh 1 Thu hoạch xoài ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Cần chú trọng Global GAP
Dễ thấy Global GAP đang trở thành một điều kiện tất yếu, một chiếc giấy thông hành cho hàng hóa Việt Nam bước đầu đặt chân vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn thực hành sản xuất sạch theo tiêu chuẩn Global GAP, nông dân cũng như nhiều DN sản xuất nông sản tại Việt Nam, chưa chủ động tiếp cận được các giải pháp thực hành đạt chuẩn toàn cầu ngay từ đầu.
Thậm chí có không ít nông dân còn làm theo kiểu đối phó, sẵn sàng “chi tiền” nhằm có được giấy chứng nhận trong tay. Song với các nước đòi hỏi yêu cầu cao, khi phát hiện ra những hình thức đối phó này họ không chỉ trả hàng mà còn nâng cao kiểm soát với tất cả các lô hàng từ Việt Nam, gây khó khăn chung cho các DN khác và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh sản phẩm Việt. 
Hiện nay phía Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) đã ký kết hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ cho người dân xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nông sản, gia tăng giá trị cho nông sản.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết:  "Chúng tôi cũng đã làm việc với Tổ chức GlobalGAP (cấp chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm nông nghiệp), xây dựng bộ quy trình tiêu chuẩn với tên gọi LocalGAP. Đây là tiêu chuẩn trung gian để người dân có thể tiếp cận với thị trường quốc tế với chi phí thấp hơn so với GlobalGAP. Mỗi sản phẩm LocalGAP sẽ được cấp mã số GLN, và được minh bạch thông tin trên website của GlobalGAP”. 
Tất nhiên, trong nông nghiệp nếu chỉ mình người nông dân chuyển đổi chắc chắn chưa đủ. Nông dân, hợp tác xã đã trồng theo tiêu chuẩn rồi thì tiêu thụ làm sao? Đó là câu chuyện về tính liên kết. Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN và người nông dân. Đảm bảo đầu ra cho thị trường nông sản Việt Nam từ giai đoạn sản xuất, chứ không phải như hiện nay đến khi nông dân sản xuất ra sản phẩm mới biết những sản phẩm đó không đủ điều kiện để xuất khẩu đi các thị trường tiềm năng. 
Lẽ dĩ nhiên trong các mối liên kết ấy vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng. Các DN đều cho rằng, Nhà nước cần tạo nhiều cầu nối giữa nông dân và các DN, giúp nông dân cũng như DN tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường là mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng, để nông sản Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. 

Các tin khác