Đường bay đến Mỹ... còn xa

(ĐTTCO) - Tuyến đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ dù được đánh giá là nhiều tiềm năng và các hãng hàng không chờ đợi lâu nay. Tuy nhiên, nếu tính toán trong những năm đầu khai thác các hãng hàng không sẽ phải cạnh tranh quyết liệt và phải chịu cảnh thua lỗ.

CAT1 vẫn có thể bị tước hoặc hạ bậc
Thực ra từ năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không CAT 1, sau đó Cục Hàng không đề nghị Boeing hỗ trợ tư vấn tăng năng lực. Năm 2013, sau khi chuẩn bị xong, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã vào đánh giá kỹ thuật lần đầu và phát hiện 49 điểm chưa đáp ứng, quá nửa là lỗi hệ thống, trong đó có việc chính sách hàng không chưa đầy đủ, tổ chức chưa đạt yêu cầu.
Đến năm 2017, thời điểm các hãng hàng không của Việt Nam muốn khai thác thị trường Mỹ, Cục Hàng không quyết định khởi động lại kế hoạch này. Cũng năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế, với định hướng ban đầu các hãng hàng không Việt đủ tiêu chuẩn mở mới đường bay thẳng đến Mỹ, với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây (San Francisco hoặc Los Angeles). 
Đường bay đến Mỹ... còn xa ảnh 1
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đạt CAT 1 mới chỉ là một trong những điều kiện chính về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ, góp phần nâng tầm hàng không Việt Nam trên thị trường hàng không quốc tế. Còn để được chính thức chấp thuận bay đến Mỹ phải phụ thuộc vào các yếu tố khác như vấn đề thủ tục an ninh, nguồn lực tài chính của các hãng hàng không trong nước.
Ngoài ra, CAT1 không phải là vĩnh viễn, vẫn bị thanh sát lại, thậm chí bị tước bỏ, hạ bậc. Đối với trường hợp của Việt Nam, với quy định của FAA, sau 1 năm kể từ ngày phê chuẩn, phía Mỹ sẽ thanh sát lại và trong các năm tiếp theo cũng sẽ theo dõi quá trình hoạt động, có thể kiểm tra, thanh tra bất thường. Do đó, việc duy trì tiêu chuẩn này sẽ rất khó khăn. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từng được phía Mỹ cấp chứng chỉ này, nhưng sau đó đã bị hạ xuống CAT 2. 

Cạnh tranh cao, dễ thua lỗ
Từ năm 2001, ngay sau khi giao dịch thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết sau Hiệp định thương mại song phương, Vietnam Airlines khi đó đã mua 4 máy bay Boeing 777-200ER của Boeing. Từ năm 2004, Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khai thác và đã sẵn sàng bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, theo tính toán của Vietnam Airlines trong giai đoạn này, bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm hãng này sẽ lỗ khoảng 100 triệu USD. Còn những tính toán gần đây cho thấy nếu bay bằng máy bay A350, mức lỗ giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm.
Hiện phía Vietnam Airlines vẫn khẳng định đường bay thẳng Việt-Mỹ sẽ là đường bay đầy thách thức và chắc chắn sẽ lỗ trong nhiều năm. Do đó, hãng này buộc phải tính đến việc cân đối để bù lỗ ở mức có thể chịu đựng được. Thực tế, toàn bộ thị trường hành khách bay Việt - Mỹ hiện nay đều do các hãng hàng không của Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm lĩnh. Bản thân các hãng hàng không này cũng thường bay đến Việt Nam để lấp thêm ghế trống.
Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, hiện nay chưa có loại máy bay nào bay không điểm dừng với trọng tải đầy, trong khi với trường hợp máy bay 300 ghế bay không điểm dừng mà chỉ chở được 160, khách thì hãng hàng không chắc chắn bị lỗ. 
Ngoài ra, lượng khách người Việt tại Mỹ và khu vực Bắc Mỹ cùng với cộng đồng du học sinh Việt Nam đông nhưng lại sinh sống phân tán, đi lại mang tính thời điểm, chưa thực sự thành một nguồn khách thường xuyên, trong khi lượng khách doanh nhân chỉ chiếm tỷ trọng không lớn, đây thực sự là khó khăn để đảm bảo duy trì hiệu quả khai thác đường bay trong cả năm.
Cũng cần nói thêm, đây cũng là tuyến hàng không luôn chịu áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các hãng quốc tế. Hiện các hãng hàng không lớn của châu Á như Japan Airlines, Asiana Airlines, China Southern Airlines, Cathay Pacific, Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Thai International Airways đều đang khai thác các chuyến bay tới Mỹ với tần suất khá cao.
Có thể kể đến như Singapore Airlines đã khai thác các chuyến bay thẳng từ Singapore qua Bắc Cực, tới các thành phố lớn của Mỹ, rút ngắn thời gian bay thông thường từ 21-24 giờ xuống còn 15-16 giờ.
 Hiện hãng hàng không United Airlines của Mỹ mở đường bay thẳng từ San Fransisco của Mỹ tới TPHCM của Việt Nam, nhưng vẫn phải transit (quá cảnh) ở Hồng Công. Cách đây 3 năm, chính hãng United Airlines của Mỹ cũng đã phải dừng khai thác đường bay này (chỉ bay khi quá cảnh ở Hồng Công), nguyên nhân được cho là bị lỗ nặng do không chịu nổi sự cạnh tranh với các hãng khác.

Các tin khác