Gập ghềnh với lãi suất ưu đãi

(ĐTTCO) - Nhằm hỗ trợ các DN trong một số lĩnh vực cũng như DN khởi nghiệp, Nhà nước và các địa phương đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, con đường để DN tiếp cận những nguồn vốn này cũng như để hưởng lãi suất ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn. 
Cứng nhắc, thiếu linh hoạt 
Để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15/2017/QĐ-UBND (trước đó là Quyết định 50/2015/QĐ-UBND).
Theo quyết định này, DN sẽ được hỗ trợ lãi suất sau khi vay được vốn từ ngân hàng (mức hỗ trợ phụ thuộc vào phần dự án được phê duyệt). Thực tế đã có một số DN được hưởng ưu đãi lãi suất theo chương trình này, song trong quá trình thực hiện vẫn còn đó vướng mắc khiến DN mất nhiều thời gian, công sức.  
Trong cuộc họp với Sở Nội vụ TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kể một câu chuyện thực tế về việc hồ sơ DN bị “ngâm”  đến 1,5 năm. Ông Phong cho rằng trong khi các quy định đều có, các sở ngành có thể trả lời ngay cho DN, vậy mà hồ sơ vẫn bị đưa lòng vòng qua các phòng ban, cuối cùng mới trình lên Chủ tịch TP với tham mưu trả lời là không được. DN bị ngâm hồ sơ chính là Công ty cơ khí Duy Khanh. Nội dung hồ sơ là thủ tục điều chỉnh dự án mà công ty đang đầu tư được hưởng ưu đãi theo chương trình hỗ trợ DN công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. 
Gập ghềnh với lãi suất ưu đãi ảnh 1 Sản xuất tại Công ty cơ khí Duy Khanh, Q. Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Quang Định 
Trao đổi với ĐTTC, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP, cho biết cụ thể như sau: “Hồ sơ của Duy Khanh đã được duyệt từ năm 2015. Trong quá trình đầu tư thực tế, DN nhận thấy có một số hạng mục phải điều chỉnh cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. DN cũng nghĩ rằng việc điều chỉnh này phù hợp kế hoạch và hợp pháp nên đã tiến hành.
Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra liên ngành của TP kiểm tra thấy có một vài thay đổi và yêu cầu DN làm thủ tục điều chỉnh dự án. DN đã thực hiện ngay. Thế nhưng, sau nhiều lần họp với các sở ngành, hoàn thiện hồ sơ mất tổng thời gian gần 18 tháng, DN nhận được câu trả lời là phần danh mục thay đổi không được TP hỗ trợ theo chương trình.
Được biết trong Quyết định 50 có cho phép DN được điều chỉnh danh mục đầu tư nhưng phải báo trước. Song điều này không khả thi, dễ khiến DN mất cơ hội. Tôi kiến nghị cho DN được điều chỉnh dự án phù hợp kế hoạch và làm thủ tục điều chỉnh sau, nhưng không được chấp nhận” - ông Tống chia sẻ.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, ngoài Duy Khanh cũng có những DN cho biết trong quá trình làm dự án thực tế mới nhận thấy, nếu làm đúng như kế hoạch ban đầu lại không hiệu quả. Nhưng chuyển danh mục đầu tư lại không được chấp thuận ưu đãi lãi suất. Cả hai điều này đều làm khó cho DN, khiến DN mất đi cơ hội, vì số vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng. 
Bên cạnh câu chuyện vốn, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều ưu tư khác. Lâu nay các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bị đánh giá là yếu thế hơn so với DN ngoại. Thế nhưng theo chia sẻ của một vài DN, sự yếu thế đến từ “sân chơi” chưa công bằng.
Đơn cử như câu chuyện quỹ đất cho đầu tư dự án, DN nội khi tìm quỹ đất tại Khu công nghệ cao (CNC) hay tại một số tỉnh/thành thường bị từ chối với lý do hết quỹ đất, nhưng khi DN FDI vào lại được ưu tiên ngay. 

Nhiều nút thắt khi vay vốn
Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ, một lĩnh vực khác cũng đang nhận được chương trình hỗ trợ vốn vay đó là nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC và nông nghiệp sạch.
Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn rất nhiều DN chưa thể tiếp cận với nguồn vốn vay này. Nguyên nhân muốn vay được vốn phải có tài sản thế chấp, trong khi nhiều DN thì không có. DN muốn chọn cách lấy đầu tư của mình (như đầu tư nhà màng, nhà lưới) để làm thế chấp. Song cách thức này cũng không tránh khỏi những khó khăn, các ngân hàng dù hiểu nhà màng, nhà lưới có giá trị cao nhưng chỉ xếp vào loại công trình tạm và thanh khoản thấp. 
Theo tính toán của ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Toàn Cầu để đầu tư tự động hóa hoàn toàn trên 1.000m2 đất cần khoảng 1 tỷ đồng, bởi hầu hết hệ thống làm nông nghiệp CNC vẫn phải nhập khẩu. Như vậy muốn đầu tư 5.000-10.000m2, số vốn bỏ ra 5-10 tỷ đồng, quá tầm đối với đa số DN nhỏ. Mà đi vay ngân hàng theo chương trình ưu đãi thì lại “trần ai”. Đó cũng là lý do những DN tiếp cận được gói này đa phần là DN lớn, có tiềm lực mạnh. 
Và khi nhắc đến vốn vay ưu đãi, một đối tượng khác không thể không nói đến chính là các DN khởi nghiệp. Nhiều người cho rằng các DN khởi nghiệp trong vài năm trở lại đây đang có được thuận lợi lớn khi Chính phủ cũng như các địa phương đang hết sức quan tâm đến khởi nghiệp, muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh.
Cùng với đó các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng đang rất quan tâm và muốn rót vốn cho các dự án khởi nghiệp với những dòng vốn khủng. Song thực tế số lượng DN khởi nghiệp tiếp cận được vốn từ các quỹ vẫn còn khá hạn chế cả về số lượng và lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực đang thu hút giới đầu tư nhiều nhất vẫn là công nghệ.
Hiểu được điều này, Chính phủ và một số TP lớn như TPHCM đã triển khai những chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp được vay vốn, như chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp (Speed up), hay gói vay tín chấp tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC…
Đã có DN khởi nghiệp tiếp cận, nhưng điểm chung của những khoản vốn này là thủ tục mất nhiều thời gian và vốn vay khá nhỏ. Thậm chí một DN khởi nghiệp đã chia sẻ khi nghe đến vốn vay ưu đãi của nhà nước thì luôn đặt rất nhiều câu hỏi: vốn này có phải vay qua ngân hàng không (nếu qua ngân hàng thì quá thách thức vì lấy đâu ra tài sản thế chấp); nếu không phải vay qua ngân hàng, không cần thế chấp thì thủ tục có quá gian nan hay không… 
 Vốn chính là “dòng máu” duy trì sự sống cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Sự tự thân của DN trong việc duy trì “dòng máu” ấy là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, với những nhóm ngành đặc thù khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương, việc hóa giải các nút thắt là rất quan trọng để vốn đến được tới DN thực sự có nhu cầu. 

Các tin khác