Gỡ thẻ vàng phải minh bạch nghề cá

(ĐTTCO) - Một năm qua, các DN, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng các bộ ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU). Song tất cả chỉ mới duy trì được thẻ vàng, còn việc gỡ thẻ vàng lấy lại thẻ xanh sẽ phải tiếp tục nỗ lực trong năm 2019. 

Vẫn vướng Thông tư 02
Ngày 23-10-2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, do Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ngay sau khi nhận thẻ vàng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương… đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo các khuyến nghị của EC, trong đó Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT.
Tuy nhiên, từ khi ban hành đến nay Thông tư 02 lại thể hiện nhiều bất cập trong thực thi. Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP PRO (thuộc VASEP) đã nói về những vướng mắc của Thông tư 02 là triển khai ở các địa phương không đồng nhất. Các DN không xin được giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản tại cảng cá, do vướng mắc về quy định trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, như yêu cầu nộp thêm giấy phép khai thác; điều chỉnh giảm bớt khối lượng hải sản khi xin giấy S/C một cách bất hợp lý; không xin được giấy xác định S/C do tàu cá đi trên biển không nhắn tin về, hoặc có nhắn tin nhưng không đủ cơ sở để xác nhận…
Chỉ riêng việc tàu cá đi trên biển không nhắn tin về, đã khiến nhiều DN lao đao vì không thể mua nguyên liệu. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP thủy sản Bình Bình, cho biết DN đang rất khó khăn từ khi EC cảnh báo thẻ vàng và gặp nhiều bất cập khi thực hiện theo Thông tư 02. Đơn cử như việc xác định nguồn gốc nguyên liệu cũng phải kéo dài từ 2-3 tháng. 
Gỡ thẻ vàng phải minh bạch nghề cá ảnh 1 Nghề cá phải minh bạch mới phát triển bền vững. 
Quy trình như sau: khi tàu chuẩn bị cập bến DN phải báo cáo với cảng cá. Đến khi tàu cập bến, DN sẽ mời nhân viên cảng cá đến kiểm tra giám sát nguồn nguyên liệu. Tất cả nguyên liệu đều có xác nhận của nhân viên cảng. Một trong những hồ sơ quan trọng mà chủ tàu (thuyền trưởng) phải cung cấp cho bên mua hàng là nhật ký khai thác. DN mang tất cả hồ sơ này nộp cho cảng cá, nhưng cảng cá lại không có đủ cơ sở thông tin, dữ liệu để kiểm tra nhật ký của tàu.
Chính vì vậy, cảng cá phải chuyển hồ sơ đó lên Chi cục thủy sản tỉnh. Kiểm tra xong đơn vị này trả lại cho cảng cá, lúc này cảng mới cấp xác nhận cho DN. Sự chồng chéo gây mất rất nhiều thời gian và chi phí của DN. “Nhưng vấn đề nổi cộm nhất ở Bình Định là ngư dân không nhắn tin về, nên nguyên liệu dù có xác nhận của nhân viên cảng nhưng không mua được do thiếu tin nhắn. Và chúng tôi giờ chỉ mua được 30-40% nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu” - bà Lan bức xúc. 

Hướng đến nghề cá trách nhiệm, bền vững
Theo thông tin từ phía VASEP, việc làm hồ sơ xuất khẩu hải sản khai thác các DN đã làm rất tốt từ năm 2009. Vấn đề quan trọng hiện nay chính là làm sao để ngư dân đánh bắt nguyên liệu hợp pháp và có các thông tin, dữ liệu minh bạch. Nói cách khác là chuyển đổi nghề cá Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Để làm được việc này cần giải quyết mấy vấn đề.
Thứ nhất, phải có những biện pháp xử phạt mạnh tay với những tàu cá đánh bắt bất hợp pháp. Có như vậy mới có thể răn đe những chủ tàu cá khác, triệt tiêu những con sâu làm rầu nồi canh. Thứ hai, phải trang bị thiết bị định vị cho tàu cá để có thông tin tàu cá đánh bắt nguyên liệu ở vùng nào. Đó là những gì châu Âu họ cần. 
Nhìn nhận vấn đề thẻ vàng của EC, phía chi cục thủy sản Khánh Hòa cho rằng đó là thách thức với DN và ngư dân, nhưng nó cũng là cơ hội để ngư dân chuyển đổi từng bước, đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững. Song để làm được không phải ngày một, ngày hai mà hành trình này phải được tính bằng năm, vài năm bởi có những cái trở thành vòng luẩn quẩn. Chẳng hạn như trình độ ngư dân còn hạn chế, nên việc ghi nhật ký hành trình thường làm qua loa, chúng tôi thử ứng dụng nhật ký điện tử với hình thức đơn giản nhất thì ngư dân thấy hào hứng vì dễ sử dụng nhưng lại không có tiền đầu tư. 
Cũng chính vì phải có chiến lược dài hơn nhằm làm tốt theo các khuyến nghị của EC, trong năm 2018 Việt Nam sẽ cố gắng duy trì thẻ vàng và qua năm 2019 sẽ nỗ lực hết sức để lấy lại thẻ xanh. Lấy được thẻ xanh sớm chưa hẳn tốt vì nó sẽ gây tâm lý chủ quan cho ngư dân. Khi duy trì thẻ vàng sẽ có nhiều thời gian để làm tốt hơn cho nghề cá Việt Nam. Quan trọng hơn khi nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, không chỉ thuận lợi khi xuất sang châu Âu mà cánh cửa sang các thị trường khác cũng rộng mở. 

Các tin khác